Cách phòng, tránh phản ứng sau tiêm chủng vaccine sởi - rubella

ANTĐ - Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện đã có hơn 5 triệu trẻ em được tiêm vaccine sởi - rubella an toàn, phấn đấu đến hết tháng 2-2015 có tổng cộng 23 triệu trẻ em được tiêm vaccine này. 

Tuy nhiên, hiện tượng một số học sinh bị choáng, ngất sau tiêm vaccine này hay cán bộ y tế tiêm nhầm vaccine bằng nước cất xảy ra mới đây, khiến tâm lý các phụ huynh ít nhiều lo lắng.

Cách phòng, tránh phản ứng sau tiêm chủng vaccine sởi - rubella ảnh 1Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác tiêm vaccine tại trường học ở Hà Nội

Trường hợp nào chống chỉ định với vaccine?

Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vaccine sởi - rubella là loại vaccine an toàn, phản ứng nặng sau tiêm như giảm tiểu cầu, sốc phản vệ  hay dị ứng, nổi mề đay, ngứa, phát ban rất hiếm gặp trong vòng 24 giờ sau tiêm. Tuy nhiên, sau tiêm chủng có thể gặp một số phản ứng như đau tại chỗ tiêm; sốt nhẹ kéo dài trong 1- 2 ngày (chiếm khoảng 5 - 15%); phát ban xuất hiện từ 7 - 10 ngày sau khi tiêm (chiếm khoảng 2%); nổi hạch, đau cơ và cảm giác khó chịu. Do vậy, việc khám sàng lọc và chỉ định tiêm cần được thực hiện chặt chẽ.

Tại Hà Nội, sau khi triển khai tiêm thí điểm tại 10 quận/ huyện trong 10 ngày, đến ngày 28-10 vừa qua, thành phố chính thức triển khai tiêm chủng vaccine sởi - rubella trên diện rộng đợt 1, cho trẻ từ 1-5 tuổi. Hiện tại, đã có hơn 200.000 trẻ được tiêm, không xảy ra trường hợp phản ứng nặng nào. 

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các trẻ đi tiêm vaccine sởi-rubella, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, những trường hợp chống chỉ định với vaccine này gồm: trẻ có tiền sử sốc hoặc có phản ứng nghiêm trọng sau tiêm chủng vaccine chứa thành phần sởi hoặc rubella; dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vaccine; có tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan; trẻ mắc các bệnh bạch cầu cấp, thiếu máu nặng, các bệnh về máu nghiêm trọng khác hoặc truyền máu... thì không nên đi tiêm vaccine. Những trường hợp đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi và rubella cũng không phải tiêm vaccine sởi - rubella, vì người đã mắc bệnh thường có miễn dịch bền vững. Tuy nhiên, nếu chỉ mắc 1 trong 2 bệnh này thì việc tiêm vaccine phối hợp sởi - rubella để phòng đồng thời 2 bệnh là cần thiết.

Cách tránh hội chứng ngất do tâm lý 

Như ANTĐ đã đưa tin, ngày 28-10 vừa qua, tại Ttrường THCS Bình Trị Đông A (quận Bình Tân, TP.HCM) triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella. Sau thời gian tiêm khoảng 30 phút, 1 em học sinh của trường có biểu hiện chóng mặt, mệt xỉu, một lúc sau có 4 em cũng có biểu hiện tương tự. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng -– Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân của hiện tượng trên được xác định là phản ứng dây chuyền sau khi tiêm chủng do yếu tố tâm lý vì sau khi tiêm vaccine cho một nhóm người sẽ gây ra sự lo lắng ở những người được tiêm với những triệu chứng tương tự nhau. Hiện tượng này dễ xảy ra với các điểm tiêm chủng tại trường học, lây lan nhanh chóng, trong đó nữ thường gặp nhiều hơn nam, ở độ tuổi học sinh cấp 2 thường xảy ra nhiều hơn.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, để phòng tránh hiện tượng này, tại các điểm tiêm, nhân viên y tế nên tiêm phòng cho những trẻ ít sợ tiêm đầu tiên, bố trí nhân viên hỗ trợ để giảm bớt lo lắng, căng thẳng cho trẻ. Với những trẻ sợ tiêm, nên tránh để trẻ trực tiếp nhìn thấy việc tiêm chủng cho trẻ em trước đó bởi dễ gây ra các biểu hiện tâm lý căng thẳng. Khi 1 trẻ có biểu hiện phản ứng thì cần cách ly, trấn an và theo dõi. Đối với các bậc phụ huynh khi đưa con đi tiêm chủng hoặc trước khi trẻ đi tiêm chủng tại điểm tiêm ở trường học, cần lưu ý cho con ăn no trước khi đi tiêm chủng 30 phút để trẻ không bị đói, hạ đường huyết. 

Ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo thêm, phụ huynh khi đưa trẻ đi tiêm chủng cần thông báo cho cán bộ y tế về các khuyết tật bẩm sinh, lịch sử sinh non, dị ứng hoặc bất kỳ phản ứng mạnh nào trong những lần tiêm vaccine trước đó. Ngoài ra, phụ huynh nên đặt yêu cầu xem vaccine sẽ được dùng cho trẻ và thảo luận về các tác dụng phụ có thể xảy ra. Sau khi tiêm phòng, trẻ cần được theo dõi tại điểm tiêm ít nhất 30 phút để giám sát tác dụng phụ hiếm gặp có thể xảy ra. Phụ huynh cũng cần giám sát trẻ trong vòng 24 giờ sau khi tiêm chủng tại nhà, nếu trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, phát ban, sưng tại chỗ thì không cần chăm sóc y tế.