Cách nào kiểm soát lạm phát ở mức 4,15% khi nhiều hàng hóa, dịch vụ tăng giá mạnh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Quốc hội đã nới trần lạm phát từ 4,0-4,5% lên 4,5%-5,0%, tuy nhiên, Chính phủ muốn lạm phát chỉ xoay quanh mức 4,15%. Giữa cơn “bão giá” của nhiều hàng hóa, dịch vụ, cơ quan thống kê khuyến nghị một số giải pháp để kiểm soát giá cả.
Giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng mạnh trong quý I-2025

Giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tăng mạnh trong quý I-2025

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng quý I-2025 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm 2024. Việc tăng giá này chủ yếu do nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đã tăng giá mạnh.

Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,78%, góp phần làm CPI chung tăng 1,27 điểm phần trăm, trong đó chỉ số giá nhóm thịt lợn tăng 12,49% do thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp Lễ, Tết, tác động làm CPI chung tăng 0,42 điểm phần trăm;

Chỉ số giá gạo tăng 0,97%, tác động làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm; chỉ số giá thịt gia cầm tươi sống cũng tăng 1,06%.

Cùng với đó, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,11%. So với cùng kỳ năm ngoái, giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá nhà thuê tăng, làm CPI chung tăng 0,96 điểm phần trăm.

Trong đó, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 5,11% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với từ ngày 11-10-2024, EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, góp phần làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm.

Trong quý đầu năm, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 14,4%; Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,16%.

Ngoài ra, theo cơ quan thống kê cũng chỉ ra, chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý I-2025 tăng 2,91% so với quý trước và tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2024; Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý I/2025 tăng 2,76% so với quý trước và tăng 4,93% so với cùng kỳ năm 2024.

Trên thực tế, người tiêu dùng cảm nhận sự tăng giá rõ rệt của các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: thịt lợn, gạo, rau xanh, hóa mỹ phẩm, giá vé máy bay, giá dịch vụ du lịch… Do vậy, mục tiêu lạm phát Chính phủ đặt ra là xoay quanh mức 4,15% là một thách thức không nhỏ.

Để đạt mục tiêu này, Cục Thống kê khuyến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước;

Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị. Đặc biệt, các mặt hàng cần lưu ý diễn biến giá cả là: lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas... để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp Lễ nhằm hạn chế tăng giá.

Đồng thời cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Với các loại dịch vụ do Nhà nước quản, việc điều chỉnh giá cần cân nhắc mức độ và thời điểm phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Ngoài ra, Chính phủ và các Bộ, ngành cần điều hành linh hoạt đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Cơ quan thống kê đặc biệt lưu ý việc ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát để tránh việc tăng giá bất hợp lý các loại hàng hóa, dịch vụ.