Cách mạng tháng Tám và trách nhiệm công dân của thế hệ trẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Những hiện vật, hình ảnh tại trưng bày chuyên đề “Cách mạng tháng Tám - Mốc son lịch sử” không chỉ kể một câu chuyện lịch sử với sự trân trọng và biết ơn các thế hệ đi trước mà còn đặt ra trách nhiệm công dân đối với thế hệ trẻ hôm nay.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám luôn khích lệ thế hệ trẻ dành tâm huyết, trí tuệ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám luôn khích lệ thế hệ trẻ dành tâm huyết, trí tuệ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Dấu ấn Cách mạng tháng Tám

Với 3 nội dung trưng bày là “Mùa thu lịch sử”, “Sức mạnh niềm tin” và “Tiếp bước vinh quang”, trưng bày đã tái hiện những giai đoạn của đất nước từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 đến nay. Đặc biệt, triển lãm tiếp tục khẳng định ý nghĩa to lớn của Cách mạng tháng Tám như mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Trong đó, Thủ đô Hà Nội là ngọn cờ đầu. Sáng 19-8-1945, cả thành phố Hà Nội như rung chuyển trong những tiếng hô vang. Đúng 11h, hơn 20 vạn người tập trung trước Nhà hát Lớn, Ủy ban khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa. Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng do các đơn vị vũ trang tự vệ dẫn đầu đã chia thành 2 khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu như: Phủ Khâm sai, Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát hay trại lính bảo an…

Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng và lực lượng tự vệ kiên cường, hầu hết các công sở chính quyền địch đều nhanh chóng về tay nhân dân. Sự kiện này như một tiếng bom vang dội nhanh chóng lan truyền khắp nơi, động viện, cổ vũ nhân dân cả nước gấp rút nổi dậy giành chính quyền. Thắng lợi ở Hà Nội cũng tạo điều kiện để Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đại bản doanh về Hà Nội. Cũng từ đây, như một phản ứng dây chuyền, khởi nghĩa diễn ra dồn dập trên khắp cả nước và nhanh chóng giành thắng lợi tại Huế và miền Nam. Vua Bảo Đại thoái vị, trao ấn, kiếm cho đại diện Việt Minh. Ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945

Bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945

Đi cùng với các sự kiện lịch sử được đề cập này, trưng bày “Cách mạng tháng Tám - Mốc son lịch sử” đã diễn giải và minh họa bằng những hiện vật, tư liệu và tài liệu lưu trữ có tính thuyết phục cao. Không chỉ có hiện vật và bộ sưu tập được Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam lưu giữ mà các hiện vật được trưng bày này còn là những tư liệu nằm trong kho lưu trữ của Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ). Điều đó đặc biệt có ý nghĩa bởi tài liệu lưu trữ quốc gia là bằng chứng xác thực nhất để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc. Trong đó có thể kể đến là tập sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia tháng 12-2016.

Bộ kèn đồng được Ban nhạc Giải phóng quân sử dụng trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945

Bộ kèn đồng được Ban nhạc Giải phóng quân sử dụng trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945

Thấm thía giá trị của nền độc lập

Tại trưng bày, người xem đã được tận mắt nhìn thấy bộ sưu tập truyền đơn, báo chí phát hành trước và trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Bộ sưu tập vũ khí tự vệ gồm gươm, giáo, mác, kiếm… của nhân dân sử dụng trong ngày Tổng khởi nghĩa, bộ kèn đồng được Ban nhạc Giải phóng quân cử hành Quốc ca trong buổi lễ Tuyên ngôn độc lập sáng 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình. Với những hiện vật gốc được trưng bày, điều đó cho thấy ý nghĩa với chủ đề của cuộc trưng bày này.

Sự kiện lịch sử đã lùi xa 75 năm, các nhân chứng lịch sử được nhắc đến ở trưng bày lần này như bà Lê Thi (người kéo cờ trong ngày 2-9-1945) hay gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô - Trần Thị Ninh Hồ (đã đóng góp to lớn cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn đầu khó khăn), chính là một sự tôn vinh và tri ân thế hệ đi trước với những cống hiến âm thầm cho cách mạng. Đồng thời trưng bày cũng là một lần nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm công nhân đối với Tổ quốc, đất nước. Trong đó, bà Lê Thi, cựu nữ sinh trường Đồng Khánh là một hình ảnh đẹp. Bà đã cống hiến cả đời mình cho khoa học, trở thành Giáo sư triết học của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Ông Lê Huy Quốc, con trai bà Lê Thi chia sẻ, trưng bày “Cách mạng tháng Tám - Mốc son lịch sử” chi tiết từ các vật chứng lịch sử đến các tài liệu sẽ giúp cho thế hệ trẻ hiểu hơn về ý nghĩa lịch sử của các sự kiện đã diễn ra. Nếu chỉ đọc sách giáo khoa thì khó có thể hình dung được hết mức độ cam go và những hy sinh gian khổ của các thế hệ đi trước cho non sông, đất nước. Khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám ở triển lãm này đã được làm rõ của từ “khởi nghĩa toàn dân” và chúng ta đã giành thắng lợi nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Triển lãm góp phần tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân nhận thức đầy đủ và sâu sắc vị trí, tầm vóc vĩ đại và giá trị lịch sử to lớn về thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945

Triển lãm góp phần tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân nhận thức đầy đủ và sâu sắc vị trí, tầm vóc vĩ đại và giá trị lịch sử to lớn về thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945

Là người tham gia thực hiện trưng bày chuyên đề về Cách mạng tháng Tám, chị Bùi Thị Thanh Hương, cán bộ Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, qua 3 nội dung trưng bày, điều mong muốn của những người thực hiện là chuyển tải đến người xem đặc biệt là thế hệ trẻ về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Nhờ sức mạnh này, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành thắng lợi khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chính vì thế, xuyên suốt 3 phần của triển lãm, bên cạnh những sự kiện cả dân tộc đã giành được thắng lợi, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, hay giai đoạn xây dựng Tổ quốc, trưng bày đã làm nổi bật vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong giai đoạn khó khăn đó, chúng ta đã lập kỳ tích. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám luôn dẫn đường và khích lệ dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ luôn trân trọng sự hy sinh của các thế hệ đi trước đã dành tâm huyết, trí tuệ của mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng to đẹp và vững chắc.

Tư liệu lịch sử có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước

Với ý nghĩa của cuộc triển lãm lần này, Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước đã đầu tư nhiều thời gian, lựa chọn các tài liệu có giá trị nhất. Trong đó có nhiều Sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam lâm thời năm 1945-1946 để giới thiệu tại triển lãm cùng các hiện vật, tài liệu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Trong đó, tập Sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia tháng 12-2016.

Như mọi người đều biết, tài liệu lưu trữ quốc gia là bằng chứng xác thực nhất, có ý nghĩa giáo dục đối với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đây cũng là bằng chứng xác thực để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc. Cá nhân tôi rất xúc động khi tới tham quan trưng bày này và là dịp để nhìn lại quá trình đấu tranh anh dũng, gian khổ của nhân dân Việt Nam. Các hiện vật và tư liệu càng làm cho chúng ta hiểu rõ hơn những khó khăn, gian khổ và những hy sinh của dân tộc ta trong quá trình đấu tranh giành độc lập.

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ

Kết hợp giữa hình thức mỹ thuật và trưng bày hiện vật

Mỗi triển lãm, chúng tôi đều cố gắng đưa những tư liệu, hiện vật mới nhất, sử dụng hình thức mỹ thuật để kết hợp giữa nội dung và hình thức, nhằm mang đến hiệu quả thẩm mỹ hấp dẫn người xem. Triển lãm lần này không chỉ có tài liệu hiện vật của bảo tàng mà còn phối hợp với 2 đơn vị là Bảo tàng lịch sử Việt Nam cùng với Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước. Điểm nhấn của trưng bày “Cách mạng tháng Tám - mốc son lịch sử” là sưu tập báo chí cách mạng Việt Nam được phát hành trước, trong và sau Cách mạng tháng Tám của Bảo tàng lịch sử Việt Nam và sưu tập Sắc lệnh được phát hành ngay sau khi thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước lưu giữ. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với Sắc lệnh 14/SL được phát hành ngày 8-9-1945 quy định về thời hạn và thể lệ cuộc tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội, văn bản quan trọng đánh dấu quyền tự do của mỗi công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thượng tá Lê Vũ Huy - Bí thư Đảng ủy phụ trách Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam

Hương Thủy (Ghi)