Cách giữ thực phẩm trong những ngày tết

ANTĐ - Tết đến, xuân về là dịp gia đình đoàn viên sum họp, vì thế mọi người thường chuẩn bị rất nhiều những đồ ăn, cầu kỳ hơn so với ngày thường. Để những thực phẩm đó được tươi ngon, chúng ta nên có những cách bảo quản hợp lý đảm bảo ATVSTP.

Người ta thường nói là ăn tết và chơi tết, vì thế chúng ta phải hài hòa hai yếu tố ăn và chơi, nghĩa là bữa ăn không được xem nhẹ, đặc biệt là những bữa ăn truyền thống phải đầy đủ, ngon miệng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy vấn đề thực phẩm trong những ngày tết là vô cùng quan trọng, có rất nhiều mẹo nhỏ để chúng ta bảo quản thực phẩm như sau:

Bánh chưng: Sau khi bánh chưng luộc xong chúng ta nên vớt bánh ra rửa sạch lá trong nước lạnh cho hết nhựa, để ráo. Xếp bánh thành nhiều lớp, dùng vật nặng đè lên để ép bánh cho ra nước, chắc mịn để cho rền bánh và phẳng đều. Hoàn tất công đoạn ép bánh, chúng ta để bánh ở chỗ khô ráo thoáng mát, không bụi bặm, ẩm thấp để tránh bị mốc và ôi thiu.


Giò chả:
Chúng ta muốn ăn giò chả được ngon và đảm bảo trong mấy ngày tết thì nên bỏ hết lớp vỏ gói bên ngoài, tránh để giò chả bị "đổ mồ hôi". Nên đậy bằng rổ có nhiều lỗ thoáng nhỏ, nhưng tránh hơi gió. Tốt nhất nên dùng giò chả trong vòng 2 ngày, nếu chưa ăn kịp nên luộc lại hoặc rán lại.

Măng khô: Nếu muốn để măng được lâu chúng ta cho măng vào nồi nước đun sôi khoảng 30 phút, để lửa nhỏ, đung tiếp một lát rồi vớt ra, cắt bỏ những chỗ già, rửa sạch. Dùng nước gạo hoặc nước đun sôi để nguội ngâm dùng dần. Một ngày nên thay nước 1 lần. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, chỉ nên ngầm từng ít một, ăn trong vài ba ngày, hết lại nấu tiếp để dùng.

Dưa hành: Ngày tết không thể thiếu được vị chua cay và vị thơm của dưa hành giúp gia tăng hương vị của những món ăn khác và kích thích tiêu hóa tốt hơn. Nên chúng ta bảo quản ở nơi thoáng mát, khi ăn dùng đũa sạch gắp dưa hành ra, rửa qua bằng nước sôi để nguội hoặc nước muối pha loãng, sau đó bóc vỏ ngoài, lấy phần dưa hành trắng nõn để ăn.

Đồ tươi sống: thịt, cá, tôm, ..khi mua về cần được bảo quản ở ngăn đá, hoặc tăng nhiệt độ ở ngăn mát để có thể giữ được lâu ngày. Cần làm sạch trước khi cho những thực phẩm này vào hộp, bịch nilông, sau đó buộc kín và cất vào tủ lạnh.


Rau, củ, quả:
khi mua chúng ta nên chọn những sản phẩm còn tươi, có màu sắc tự nhiên, không dập nát, héo úa hay có mùi lạ, sau khi mua về, chúng ta nhặt sạch sẽ, rửa sạch, để ráo nước và cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Chúng ta có thể bọc lại bằng giấy báo hoặc túi nilon để giữ cho thực phẩm không bị mất nước và tươi lâu hơn.

Đối với các loại rau, củ, quả như bắp cải, cải thảo, cà chua, cà rốt, khoai tây… sau khi mua về, chúng ta có thể để ở nơi thoáng mát là có thể bảo quản chứ không nhất thiết phải cho vào tủ lạnh. Cách này chúng ta không cần phải rửa trước mà chỉ khi nào chế biến mới cần rửa.

Các loại thực phẩm sau khi đã nấu chín: Sau khi nấu chín đồ ăn, chúng ta muốn bảo quản phải để nguội rồi mới cho vào tủ lạnh, bởi vì khi cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh sẽ làm thức ăn bị biến chất, ngưng đọng hơi nước, gây hại đến các thực phẩm khác và tác động không tốt cho sức khỏe khi ăn. Cho nên khi cho vào tủ lạnh chúng ta cho vào hộp kín và đậy nắp lại để tránh bị ảnh hưởng từ các thực phẩm sống.

Ngày tết thường dự trữ rất nhiều đồ ăn trong tử lạnh, do đó chúng ta cũng cần phải lau dọn tủ lạnh thường xuyên sạch sẽ để tránh vi khuẩn xâm nhập vào đồ ăn để trong tủ. Để có một cái tết ấm cũng trọn vẹn đảm bảo sức khỏe cho gia đình và bản thân, chúng ta nên chú ý đến việc lựa chọn thực phẩm sao cho hợp lý cũng như cách bảo quản thật tốt để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.