Cách giữ ấm cổ họng khi trời trở lạnh

ANTD.VN - Những đợt gió lạnh đầu đông đã tràn về, nhiệt độ ngoài trời giảm, bạn rất dễ bị viêm họng nếu không biết cách giữ ấm cổ họng.

Cổ họng trực tiếp tham gia một số quá trình quan trọng đối với con người như hít thở, nói chuyện, ăn uống, nhai và nuốt. Do vậy, nếu để cổ bị nhiễm lạnh, bệnh tật sẽ phát sinh, gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Dưới đây là một số cách giúp bạn giữ cho cổ luôn ấm trong mùa đông.

Quàng khăn ấm, mặc áo kín cổ

Một chiếc khăn quàng ấm áp là giải pháp cần thiết để giúp bạn luôn giữ cổ ấm áp trong mùa đông. Bạn cũng có thể thay thế việc quàng khăn bằng những chiếc áo cao cổ có thể giữ ấm cổ.

Đeo khẩu trang khi ra đường

Nếu để mũi nhiễm lạnh thì sẽ xảy ra hiện tượng sổ mũi. Vì vậy, bảo vệ mũi cũng là cách bảo vệ cổ họng. Tốt nhất, khi ra đường những ngày trời lạnh, bạn nhất định phải đeo khẩu trang vừa để giữ ấm cho mũi lại vừa tránh hít phải bụi bẩn.

Giữ nhiệt độ phòng phù hợp

Khi ngủ, cơ thể bạn mất nhiệt, sẽ rất dễ nhiễm lạnh nếu nhiệt độ phòng không đủ ấm. Tuy nhiên, nếu bạn để nhiệt độ phòng quá cao, chênh lệch nhiều với nhiệt độ thấp ngoài trời thì khi bước ra khỏi phòng, cơ thể bị sốc nhiệt, cũng rất dễ khiến bạn bị nhiễm lạnh, sổ mũi, viêm họng. 

Sử dụng nghệ

Củ nghệ có đặc tính chống dị ứng, giúp bảo vệ cổ họng chống lại các nguồn lây bệnh do dị ứng. Bạn lấy nửa tách nước nóng hòa với 5g muối và một nhúm bột nghệ và uống vào mỗi tối để bảo vệ cổ họng.

Súc miệng bằng nước muối

Hàng ngày, hãy súc miệng bằng nước muối ấm để tẩy sạch cổ họng và miệng, giúp bảo vệ cổ họng trước nguy cơ nhiễm khuẩn. Pha nước muối ấm để súc cổ họng theo công thức một thìa muối với 250ml nước lọc. Một ngày nên súc miệng 3-5 lần vào mỗi tối, trước khi đi ngủ và sau khi đánh răng. Thói quen này cũng giúp bạn trị viêm họng, làm giảm cảm giác đau rát họng. 

Dùng đồ uống nóng

Uống đồ nóng vào mùa đông là một cách hiệu quả để trị viêm họng, đau họng. Nước nóng có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng cảm lạnh. Ngoài ra, tránh uống nước lạnh, nước đá vào mùa lạnh

Tránh các loại khói

Bụi, khói thuốc, khí thải… cũng là một trong những tác nhân gây đau họng. Không những thế, khói thuốc và bụi còn khiến bệnh đau họng trở nên nặng hơn. Chính vì thế, khi ra đường nên chú ý đeo khẩu trang, tránh hút thuốc và tránh những nơi có khói thuốc lá.

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ

Việc vệ sinh răng miệng không sạch sẽ cũng dễ dẫn đến vi khuẩn nảy sinh làm bạn đau họng. không chỉ vệ sinh răng miệng, bàn chải đánh răng cũng cần được vệ sinh thường xuyên bằng cách ngâm vào nước ấm trước khi đánh răng vào buổi sáng để loại bỏ những loại vi khuẩn bám trên bàn chải.