Cách đối xử với nhân tài

ANTĐ - Dự kiến hôm nay (30-12), gia đình nữ VĐV bơi Nguyễn Diệp Phương Trâm và Sở VH-TT TP.HCM sẽ gặp nhau tại Tòa án nhân dân quận 1 (TP.HCM) để giải quyết vụ kiện dai dẳng suốt 6 tháng qua. 
Cách đối xử với nhân tài ảnh 1

Một tài năng hiếm có như Phương Trâm cần sự đầu tư và đãi ngộ xứng đáng

Trước đó, ngày 21-12, tòa quyết định tạm hoãn để hai bên thương thảo và đã đi tới thống nhất sơ bộ: gia đình Phương Trâm chỉ phải đền bù 400 triệu đồng (thay vì 961 triệu đồng như yêu cầu của Sở VH-TT TP.HCM trước đó) để VĐV này được tự do.

Ngược lại, Phương Trâm có thể tiếp tục khoác áo TP.HCM thi đấu các giải trong nước theo bản hợp đồng mới mà đôi bên dự định ký kết tới đây. Thỏa thuận trên tạm thời làm dịu mối bất đồng giữa hai bên và được xem như lối thoát cho vụ việc. Song đằng sau đó là bài học về cách đối xử và đãi ngộ với nhân tài.

Sẽ không có vụ lùm xùm trên nếu VĐV 14 tuổi này không phải là tài năng kiệt xuất và đang là “con gà đẻ trứng vàng” (đoạt nhiều HCV và chiến thắng cả đàn chị Ánh Viên ở một số nội dung giải toàn quốc) cho đơn vị chủ quản. Trong khi đó, các đơn vị khác ra sức chèo kéo Phương Trâm với mức đãi ngộ cao hơn để thỏa mãn bệnh thành tích tại Đại hội TDTT toàn quốc 2018 tới.

Điều này xuất phát từ thói quen xấu tồn tại trong làng thể thao, đó là việc nhiều địa phương bỏ mặc đào tạo trẻ, chỉ chăm chăm đi “nhặt” VĐV giỏi của các đơn vị khác về để làm đẹp bảng thành tích của mình ở giải toàn quốc. Cách làm “hớt ngọn” khiến  tiêu cực vì thế nảy sinh, kìm hãm sự phát triển của các môn thể thao. 

Đầu năm 2015, chính Sở VH-TT TP.HCM cũng bị tố cho Cà Mau “mượn” 7 VĐV taekwondo thi đấu tại Đại hội TDTT toàn quốc, bị lên án là lấy tiền ngân sách nuôi VĐV đến khi “đủ lông, đủ cánh” thì “bán” cho đơn vị khác thích ăn xổi. Còn trong vụ việc của Phương Trâm, phía TP.HCM bị cho là thiếu nhạy bén khi không điều chỉnh kịp thời chính sách đãi ngộ để giữ chân VĐV này trước sự chèo kéo từ các đơn vị khác. Cùng với đó, giới quản lý, cụ thể trong vụ việc này là bộ môn bơi - Tổng cục TDTT chưa phát huy hết vai trò của mình cũng như có những cơ chế linh hoạt trong quy định chuyển nhượng, phần nào khiến vụ việc phải giải quyết tại tòa án.

Không dễ để tìm kiếm và đào tạo nên một tài năng trẻ triển vọng như Phương Trâm. Nhưng nếu “người lớn” chỉ chăm chăm bệnh thành tích rất có thể sẽ hủy hoại “viên ngọc thô” này. Các địa phương đang tung tiền chèo kéo Phương Trâm về đơn vị mình để “bóc lột” những tấm huy chương giải trong nước nghĩ gì khi một doanh nghiệp vừa ngỏ lời sẵn sàng góp tiền tài trợ đưa Phương Trâm sang Mỹ để phát triển tài năng, làm rạng danh Tổ quốc trong tương lai, bất kể cô thuộc đơn vị quản lý nào.