Cách chữa hôi miệng bằng Đông y

ANTĐ - Trong Đông y, nguyên nhân dẫn đến hôi miệng được nhìn nhận là do thấp nhiệt. Là hiện tượng nhiệt khí uẩn tích ở giữa các mô lồng ngực và từ trong miệng xung phát ra. Người trường vị thấp nhiệt, những thức ăn mà họ ăn vào hay bị ứ trệ lại trong dạ dày, tiêu hóa kém, đồng thời dẫn tới hiện tượng chán ăn, nấc cụt, buồn nôn, táo bón, chướng bụng, đau bụng. Ngoài ra bệnh viêm lợi, sưng mưng mủ cũng dẫn tới hôi miệng. Có thể dùng một số bài thuốc như sau:

Bài 1: Trúc diệp 9g, thạch cao 30g, bán hạ chế 4g, mạch môn đông 18g, nhân sâm 5g, cam thảo 3g, gạo 8g. Dùng nước sạch sắc tất cả các vị thuốc trên, uống nước thuốc mỗi ngày 3 lần. Bài thuốc này dùng cho những người khí âm lưỡng hư kèm vị nhiệt, thường xuyên cảm thấy có một luồng hơi nóng chạy lên trên dọc theo lồng ngực, miệng khô lưỡi ráo, tim hồi hộp, ra mồ hôi lạnh.

Bài 2: Đương quy 6g, hoàng liên 5g, sinh địa 12g, đơn bì 6g, thăng ma 6g. Dùng nước sắc tất cả các vị thuốc trên, uống mỗi ngày 1 thang. Dùng cho những người bị hôi miệng có kèm khát nước, thích uống lạnh, môi đỏ, lở loét miệng lưỡi, lợi sưng đau… Bài thuốc này có tác dụng thanh tuyên vị hỏa, lương huyết dưỡng âm nên có thể chữa vị nhiệt xông bốc lên mà gây ra hôi miệng.

Ngoài ra còn có thể dùng một số vị thuốc Nam dễ kiếm, rẻ tiền có thể khử mùi hôi răng miệng một cách hiệu quả, cách thực hiện đơn giản.

Húng chanh hay còn gọi là rau tần, bạn hãy lấy 1 năm húng chanh khô, sắc lấy nước để ngậm và súc miệng. Ngậm thường xuyên nhiều lần trong ngày, chỉ sau vài ngày sẽ thấy hiệu nghiệm hết hôi miệng.

Hương nhu hay còn gọi là rau é, cẩn nhu. Chúng có vị cay, mùi thơm, không độc, chữa được rất nhiều bệnh. Sau 200ml nước với 10g hương nhu, dùng nước này ngậm và súc miệng thường xuyên, sau đó nhổ ra ngoài.

Lá ngò gai hay còn gọi là mùi tàu, mùi tây, có vị hàn the, tính ấm, có tác dụng kích thích tiêu hóa, giải khí trướng. Lấy 1 nắm ngò gai, sắc lấy nước đặc cho thêm một chút muối, làm nước súc miệng 5-6 lần/ngày.