Các yếu tố nguy cơ kiểm soát bệnh tim

ANTĐ -  Có rất nhiều bệnh liên quan đến các vấn đề về tim mạch, do đó cũng có nhiều nguy cơ dẫn đến các bệnh lý về tim, nhưng chủ yếu được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được như di truyền, tuổi tác và giới tính, nhóm thứ 2 là những yếu tố nguy cơ kiểm soát được. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu những yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được để đẩy lùi bệnh lý về tim mạch.

Thiếu hoạt động thể chất: Một số người có lối sống lười vận động, hoặc không có thời gian tham gia các hoạt động thể chất sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch cao hơn những người tập luyện thường xuyên. Việc tập thể dục hay tham gia các hoạt động thể chất khác giúp chúng ta đốt cháy nhiều calo, giúp kiểm soát được hàm lượng cholesterol và lượng đường trong máu, đồng thời cũng có thể làm giảm huyết áp của bạn. Tham gia tập luyện làm cho hệ thống trao đổi chất hoạt động tích cực hơn, máu được vận chuyển dễ dàng về tim và ngược lại, làm các cơ tim dẻo dai hơn và các mạch máu cũng linh hoạt hơn.

Béo phì: Thừa cân sẽ góp phần gia tăng hàm lượng cholesterol trong máu dẫn đến nguy cơ huyết áp cao và bệnh mạch vành. Nếu chuyển sang béo phì, lượng cholesterol sẽ rất khó kiểm soát làm cho huyết áp càng cao và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. 

Thuốc lá: Khói thuốc lá không chỉ gây ra nhiều bệnh tật mà còn làm tăng nhịp tim, làm hẹp các động mạch và gây loạn nhịp tim khiến cho các hoạt động của cơ tim càng khó khăn hơn. Hút thuốc cũng là một nguyên nhân làm tăng huyết áp cao và tăng nguy cơ đột quỵ. Nicotine và các chất khác có trong khói thuốc lá sẽ làm xuất hiện các mảng bám trên thành động mạch. Điều này khiến tăng nguy cơ đông máu và có thể dẫn tới các cơn đau tim bất thường.

Uống rượu: Uống rượu nhiều có thể gây suy tim, vì rượu gây ra nhiều tác hại trực tiếp lên cơ tim, nhất là tâm thất trái và có thể dẫn tới suy tim. Một nguyên nhân nữa thúc đẩy nhanh quá trình của bệnh suy tim là khẩu phần ăn của những người nghiện rượu thường thiếu vitamin B1, và chính sự thiếu hụt này gây ra bệnh suy tim.

Huyết áp cao: Các bác sĩ luôn khuyến cáo chúng ta nên thường xuyên đo huyết áp. Huyết áp của chúng ta có thể thay đổi nếu như ta vận động nhiều hoặc phổ biến nhất là khi có tuổi. Nếu chứng cao huyết áp lại kết hợp với béo phì thì nguy cơ gặp các bệnh lý tim mạch và đột quỵ là điều khó tránh khỏi.

Bệnh tiểu đường: Theo thống kê, 65% số người mắc bệnh tiểu đường tử vong có liên quan đến các vấn đề về tim mạch. Nếu mắc bệnh tiểu đường sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Nguyên nhân được xác định là bệnh tiểu đường làm ảnh hưởng đến cholesterol và triglyceride. Ngoài ra, bệnh tiểu đường lại hay gặp ở những người huyết áp cao và béo phì.

Cholesterol trong máu cao: Nhiều người cho rằng, lượng cholesterol trong thức ăn khiến cho chỉ số cholesterol trong máu tăng cao. Nhưng thực tế lại là chất béo bão hòa có trong thực phẩm, vì trong thực tế có nhiều thực phẩm không chứa cholesterol nhưng lại chứa một lượng lớn các chất béo bão hòa khác. Chất béo bão hòa này làm tăng hàm lượng cholesterol xấu (LDL), tạo nên những mảng bám trên thành động mạch, gây ra xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành.

Hội chứng chuyển hóa: Là sự bất thường đề kháng insulin, tăng insulin trong máu bao gồm: huyết áp cao, thừa cân, HDL cholesterol thấp, tăng đường huyết và đề kháng insulin. Tất cả các yếu tố nguy cơ này sẽ làm gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch và tiểu đường type 2 ngay cả khi chúng mới bắt đầu có dấu hiệu bất thường.