Các vở kịch “nói không với tiền tỷ”

ANTĐ - 3 năm gặp lại, khoảng thời gian chưa đủ dài để nhận ra những bước tiến vượt bậc của nền sân khấu kịch Việt Nam. Thế nhưng, sự kiện “Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012” diễn ra tại TP Huế từ ngày 15-7 đến 28-7 vẫn là một điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh về sân khấu năm nay với những người làm nghề, với những người yêu mến sân khấu và với cả những nhà quản lý….

Nghệ sỹ Kim Oanh (bên phải) tự bỏ tiền túi dựng vở “Mùa hạ cay đắng”

Sân khấu phía Bắc áp đảo

Tuy chưa khai màn và phải chờ đến tối 15-7, khán giả mới được chứng kiến các vở kịch nói, nhưng các con số của “Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp” lần này cũng đủ nói lên nhiều điều. Lần đầu tiên, số lượng các đoàn kịch xã hội hóa tham gia đông nhất với 9/20 đơn vị nghệ thuật tham dự liên hoan. Chưa có năm nào và chưa một liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp nào từ trước đến nay chứng kiến con số đông kỷ lục các đoàn xã hội hóa đến vậy. Con số này không chỉ làm người ta thấy sự sôi động của sân khấu kịch trong khoảng thời gian 3 năm trở lại đây mà còn gạt bỏ những nghi ngờ về sự thiếu mặn mà của các đơn vị xã hội hóa đối với các kỳ hội diễn. Nếu như hội diễn không hấp dẫn và không là sân chơi bình đẳng cho các nghệ sỹ thì sao có thể khiến cho các “ông bầu”, “bà bầu” chịu bỏ tiền túi ra để tham dự mà cái thu về lại chẳng tính được bằng tiền, có chăng cũng chỉ là các tấm huy chương rồi danh hiệu nọ kia.

Thế nhưng đứng trước con số ấn tượng ấy, trong số 20 đoàn kịch tư nhân thì chỉ có 5 đoàn đến từ sân khấu phía Nam. Vậy là, các đoàn nghệ thuật miền Bắc đã áp đảo và chiếm lĩnh gần như trọn vẹn “ngày vui” của sân khấu kịch lần này. Liên hoan lần này vẫn chưa thoát khỏi hạn chế vốn, chưa thu hút được sự quan tâm của các nghệ sỹ phía Nam. Lý do thì có nhiều song cần thấy rằng, điều liên quan chủ yếu vẫn là vấn đề “cơm áo gạo tiền”. Sân khấu phía Nam đã tiến hành xã hội hóa từ lâu và các đoàn nghệ thuật này đều được tính toán sao cho đầu tư ít nhất nhưng hiệu quả phải lớn nhất.  Thế nên chẳng có gì khó hiểu khi việc bỏ tiền túi ra dựng vở để đi thi Liên hoan sân khấu kịch với họ cũng là điều không đơn giản.

Có nhiều đạo diễn trẻ, tài năng 

Có lẽ vì thế mới có chuyện, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đang trình Bộ VH-TT&DL mức kinh phí hỗ trợ cho các đơn vị sân khấu xã hội hóa là 50 triệu đồng. Nhưng Cục cũng đang cân nhắc giữa 50 triệu đồng/vở hay 50 triệu đồng/đoàn. Và nếu dự thảo này được thông qua thì có lẽ, ở các kỳ hội diễn sau, khán giả và các nghệ sỹ sẽ được dịp chứng kiến “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”. Liên hoan lần này còn chứng kiến các vở kịch “nói không với tiền tỷ”, có vở kịch được dàn dựng chỉ với vẻn vẹn 70 triệu đồng. Hay như sân khấu Phước Sang còn nợ tiền kịch bản, đạo diễn, diễn viên để dựng vở. Ông chủ có tiếng “chịu chơi” này còn tự bỏ tiền túi thuê họa sỹ, âm thanh, ánh sáng và các chi phí khác. 

Một con số nữa cũng khá ấn tượng tại kỳ liên hoan này, đó là việc các đạo diễn gạo cội như NSND Lê Hùng, NSND Doãn Hoàng Giang đã không còn “bao sân” và không còn diễn ra tình trạng, một đạo diễn “ôm trọn”… bao vở diễn trong một kỳ liên hoan. Thay vào đó là một loạt các tên tuổi đạo diễn trẻ, tài năng. Đồng nghĩa với điều đó, khán giả chính là người được hưởng lợi nhiều nhất. Các vở diễn với nhiều thủ pháp nghệ thuật mới và phong cách dàn dựng mới cũng sẽ đưa lại cho liên hoan một luồng sinh khí mới và tạo ra nhiều điểm nhấn mang sự trẻ trung và năng động. 

Liên hoan lần này lại xuất hiện một con số buồn về các vở diễn dựng lại kịch bản cũ chiếm khá đông đảo. Với những người am hiểu về sân khấu kịch đều hiểu rằng, cho dù có dàn dựng hay và mới lạ đến đâu nhưng vở kịch đó được dựng dựa trên một kịch bản đã ra mắt trước đây thì khán giả vẫn không tránh khỏi cảm giác quen thuộc. Và như vậy, việc khủng hoảng về lực lượng sáng tác đã hiện diện tại Liên hoan sân khấu kịch chuyên nghiệp 2012 và cũng là hiện trạng chung của nền sân khấu Việt.