Các văn nghệ sĩ xúc động trước cô bé 7 tuổi hiến tặng giác mạc

ANTD.VN - Câu chuyện về Hải An - cô bé 7 tuổi đã tự nguyện hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời cùng nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng của gia đình em đã làm lay động trái tim hàng chục triệu người, trong đó có giới nghệ sĩ Việt. 

Ca sĩ Thùy Vân – nhóm Tik Tik Tak:

“Cô bé giống như một thiên sứ đã bay về trời…”, ca sĩ Thùy Vân

“Cô bé giống như một thiên sứ đã bay về trời…”, ca sĩ Thùy Vân

Đọc bài báo viết về câu chuyện hiến tặng giác mạc của bé Hải An, tôi đã khóc. Càng thương số phận ngắn ngủi của bé bao nhiêu, tôi càng vô cùng cảm phục nghĩa cử cao đẹp của bé và nguời thân khi quyết định hiến giác mạc để mang lại ánh sáng cho người khác.

Mất đi người thân là nỗi đau không gì bù đắp nổi, nhưng chính Hải An và gia đình bé đã khiến sự mất mát ấy không vô nghĩa. Cô bé giống như một thiên sứ đã bay về trời, để lại ánh sáng và cả những điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời. Có lẽ mọi từ ngữ giờ đây đều không nói hết được sự hy sinh, ý nghĩa lớn lao và cả trái tim nhân hậu của cô bé 7 tuổi này cùng gia đình em.

Ở đâu đó trong cuộc sống này vẫn còn và rất cần những câu chuyện nhân văn cảm động, những câu chuyện quá đỗi tình người như vây. Tôi muốn nói lời cảm ơn đến cô bé, cảm ơn tấm lòng thiên thần của em, cảm ơn sự dũng cảm của em cùng người mẹ của mình. Nghĩ đến điều tuyệt vời mà Hải An và gia đình đã để lại sau khi em ra đi, tôi không kìm được nước mắt. Hãy để dòng nước mắt tuôn rơi nói hộ tất cả…

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến:

“Ngọn lửa thắp lên lòng nhân ái, nhân văn trong mỗi người”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

“Ngọn lửa thắp lên lòng nhân ái, nhân văn trong mỗi người”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến 

Khi biết trường hợp của bé Hải An, tôi đã lặng đi vì xúc động. Đây là một trường hợp hiếm hoi trong xã hội ngày nay. Khi mà trong cuộc sống,­­ nhiều giá trị đang bị mai một, thậm chí mất dần đi thì quyết định hiến giác mạc của em đã là một ngọn lửa thắp lên lòng nhân ái, nhân văn trong mỗi con người. Tôi cho rằng, câu chuyện về bé Hải An còn nhen trong lòng mỗi người một suy nghĩ: dù cuộc sống còn thiếu thốn, vất vả, hay bất công... thì cuộc sống vẫn hiển hiện những hành động cao đẹp.

Ở góc độ khác, câu chuyện đã tiếp thêm niềm tin cho chúng ta sống với hy vọng chan hòa, yêu thương, kỳ vọng vào một cuộc sống tươi đẹp hơn. Đó cũng là cách sống tình cảm, nhân văn của những con người sống ở Hà Nội, dám hy sinh bản thân mình để dâng cho xã hội những điều tốt đẹp, có ích. Mẹ bé Hải An tự hào về em đã “tặng lại ánh sáng cho bạn khác”, điều ấy làm tôi kính trọng.

Nhà phục dựng trang phục cổ Nguyễn Đức Lộc:

“Nghĩa cử đáng trân trọng!”, nhà phục dựng trang phục cổ Nguyễn Đức Lộc

 “Nghĩa cử đáng trân trọng!”, nhà phục dựng trang phục cổ Nguyễn Đức Lộc 

 Sau khi đọc xong những dòng thông tin về cháu bé 7 tuổi hiến giác mạc, cảm nghĩ đầu tiên của tôi là sự nể phục, sau đó là trân trọng nghĩa cử cao đẹp mà cô bé đã để lại sau khi rời xa cuộc đời. Tôi được biết bé và gia đình còn muốn hiến tạng khi em qua đời, song vì Hải An chưa đủ 18 tuổi nên chỉ có thể hiến giác mạc.

Một cô bé mới hơn 7 tuổi đã đồng ý hiến giác mạc của mình để cứu người chắc chắn đó phải là một cô bé có trái tim vô cùng quả cảm. Giữa nỗi đau mất đi người thân yêu nhất, bố mẹ của em vẫn can đảm giúp cô con gái xấu số của mình làm một việc có y nghĩa cho người khác.

Tôi trân trọng em và càng nể phục gia đình em hơn về điều ấy. Họ chính là những tấm gương cho truyền thống tương thân, tương ái tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hành động đó thực sự rất đáng trân trọng và là tấm gương sáng cho mọi người. Với nghĩa cử cao đẹp như vậy, tôi tin em sẽ được dìu dắt về miền an lạc.

Tôi mong mọi người sẽ thay đổi nhận thức và có tấm lòng như thế, để dù có mất mát, đau xót trước sự ra đi của người thân nhưng vẫn mang lại điều tốt đẹp cho nhiều người thiếu may mắn khác.

Nhà văn Đỗ Phấn:

“Cô bé đã trao hy vọng cho bạn khác được ánh sáng”, nhà văn Đỗ Phấn

“Cô bé đã trao hy vọng cho bạn khác được ánh sáng”, nhà văn Đỗ Phấn

Dù bé Hải An còn rất nhỏ, em là một học sinh tiểu học nhưng đã có một nghĩa cử cao đẹp là hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Quyết định của em khiến tôi muốn nói lời cảm ơn đến em và gia đình em. Bản thân tôi rất yêu quý bé Hải An, em đã được gia đình giáo dục rất tốt về cách sống giúp đỡ, nhân ái với mọi người.

Gia đình em đã có nhận thức tích cực về y tế và có cách nhìn nhân văn đối với cuộc đời. Một trường hợp nhỏ tuổi đồng ý hiến giác mạc đã trao hy vọng cho bạn trẻ khác được “nhận ánh sáng”. Gia đình nén nỗi đau thương, hy sinh vì cộng đồng.

Việc tốt đẹp ngày đầu xuân ấy không chỉ khiến cho riêng tôi mà còn khiến cho nhiều người xúc động. Bởi nguồn giác mạc tại Việt Nam vô cùng khan hiếm nên số người hiến giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng nhu cầu rất nhỏ so với thực tế.