Các trường nghề cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp

ANTĐ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), ông Cao Văn Sâm cho biết, hiện nay hơn 80% học sinh sau khi tốt nghiệp THPT tiếp tục thi lên đại học. Điều này khiến các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề tuyển sinh vô cùng khó khăn. Việc đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam đang đi ngược lại so với các nước phát triển.

Các trường nghề cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp ảnh 1

Cơ hội và tỉ lệ có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp là khá lớn, nhưng học sinh vẫn không “mặn mà” với các trường nghề

Đào tạo không theo nhu cầu thị trường

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH quản lý 170 trường cao đẳng nghề, 301 trường trung cấp nghề và 991 trung tâm dạy nghề trên cả nước. Những năm qua, với những giải pháp huy động nội lực và tăng cường hợp tác quốc tế, các cơ sở dạy nghề của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Học nghề có nhiều điều kiện thuận lợi, thời gian đào tạo ngắn, chi phí rẻ, tỷ lệ học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường khá cao. Mặc dù vậy, hàng năm các cơ sở dạy nghề vẫn phải đau đầu với công tác tuyển sinh.

Lý giải cho điều này, ông Cao Văn Sâm cho biết, hiện chúng ta đã có bộ giải pháp và các công cụ khá toàn diện nhưng việc phân luồng học sinh chưa thực sự có hiệu quả. Qua khảo sát thực tế, chỉ có khoảng 3% học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề, tỷ lệ này còn rất thấp so với chỉ tiêu 30% mà Bộ Chính trị đề ra.

Phân luồng học sinh từ bậc THCS, THPT đã được thực hiện ở hầu hết các nước trên thế giới và gắn với nhu cầu thực tế. Sau khi học sinh tốt nghiệp THPT, chỉ 20% học tiếp lên đại học còn 80% học nghề. Trong khi Việt Nam thì ngược lại. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các xí nghiệp trong các khu chế xuất) cần 90-95% lao động trực tiếp, nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực không xuất phát từ nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, tâm lý bằng cấp của người Việt Nam vẫn còn nặng nề, muốn làm thầy không muốn làm thợ. Phần đông học sinh sẽ lựa chọn thi vào đại học hay cao đẳng chuyên nghiệp thay vì rẽ hướng sang học nghề sau khi tốt nghiệp THPT. Hơn nữa, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học từ dân lập đến chính quy hàng năm đều tăng, điểm tuyển sinh thấp, hình thức đào tạo đa dạng… cũng là nguyên nhân khiến các trường nghề thiếu học viên.

Cần đổi mới đào tạo nghề

Việc các trường đào tạo nghề vắng học viên cũng cần xem xét trên nhiều góc độ. Các cơ sở đào tạo nghề có thu hút được người học hay không còn phụ thuộc vào năng lực tổ chức, đào tạo của chính mình. Bà Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cho biết, trong quá trình vận động của thị trường, các cơ sở đào tạo nghề không thể “ngồi một chỗ” chờ có cơ chế tốt được.

Thị trường luôn  thay đổi, nhiều ngành nghề trước đây rất “hot” nhưng hiện nay rất khó xin việc, nếu cứ đào tạo sẽ vắng người học. Để thu hút học viên, trước hết các trường nghề cần đào tạo đáp ứng đúng, trúng nhu cầu của thị trường. Muốn vậy, các cơ sở đào tạo nghề phải có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp.

Ông Cao Văn Sâm cũng cho rằng, trường nghề có 3 chức năng là đào tạo, chuyển giao công nghệ và gắn với sản xuất. Các cơ sở đào tạo phải gắn kết được với các doanh nghiệp để biến kiến thức nghề thành kỹ năng nghề thông qua rèn luyện thực tế.

Tuy nhiên, để làm tốt điều này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực nội tại của các cơ sở. Đào tạo nghề cũng phải xem xét dưới góc độ dịch vụ cung cấp nhân lực cho thị trường lao động. Việc phân hóa các cơ sở dạy nghề là điều bình thường, cơ sở dạy nghề nào có tín nhiệm, có thương hiệu sẽ có nhiều người học và ngược lại.