Các trường đào tạo ồ ạt ngành "hot" sẽ gây mất cân đối thị trường lao động

ANTD.VN - Đó là ý kiến trao đổi của Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) bên hành lang quốc hội về một số vấn đề liên quan đến Dự thảo  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sáng 6-11.

PV: Dự án Luật Giáo dục đại học đề cấp đến vấn đề tự chủ đại học. Theo Đại biểu, thế nào thì được coi là tự chủ, thế xã hội hóa giáo dục đại học đối với các trường công lập?

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh: Theo tôi, tự chủ của đại học công lập cần làm rõ Nhà nước quản lý cái gì và giao cho các trường quản lý cái gì? Điều đó cần được quy định rõ ràng trong luật. Tự chủ phải bắt đầu từ sở hữu, quản trị, xây dựng chương trình đào tạo. Đại học công lập do Nhà nước tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục đại học cho xã hội nên Nhà nước chỉ giao tự chủ một phần trong phạm vi hoạt động của nhà trường nhưng không tách khỏi mục tiêu giáo dục do Nhà nước đặt ra.

Như vậy, tự chủ trong các trường này chỉ là tự chủ từng phần, từng công đoạn, làm sao để vừa phát huy được tính tự chủ của nhà trường trong quản lý, xây dưng thương hiệu của nhà trường, song cũng phải thực hiện mục tiêu do Nhà nước đặt ra. Đó là cung cấp dịch vụ giáo dục đại học có chất lượng cho xã hội để xây dựng nguồn nhân lực tốt phục vụ phát triển đất nước.

Về xã hội hóa về giáo dục, đó là việc huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng cung cấp dịch vụ giáo dục đại học cho người dân nhưng phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với mục tiêu giáo dục do Nhà nước đặt ra.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) trao đổi bên hành lang Quốc hội

PV: Một trong những nút thắt của giáo dục đại học là việc tuyển sinh, tài chính. Vậy nên có cơ chế tự chủ về tuyển sinh như thế nào cho các trường?

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh: Tự chủ về tài chính là quan trọng nhất, từ đó mới xác đinh được mục tiêu đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh. Đây hoàn toàn không phải tư nhân hóa, không phải Nhà nước cấp một khoản tiền cho các trường muốn làm gì thì làm mà các trường phải hoạt động theo quy định của Nhà nước.

Việc giao chỉ tiêu cho các trường phải căn cứ vào các cơ sở nhất định. Nếu giao chỉ tiêu mà không xác định được khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục đại học đó như thế nào, cơ cấu đào tạo của cả hệ thống ra sao thì sẽ gây khó khăn cho nhà trường.

Bên cạnh đó, tự chủ giáo dục đại học trong các trường công là cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Các trường không thể chạy theo thị trường lao động trong ngắn hạn, ví dụ thấy ngành ngân hàng đang “hot” thì đều đào tạo ngành này. Như vậy cơ cấu lao động trong xã hội sẽ mất cân đối. Đây là nguyên nhân gây khó khăn cho thị trường lao động. Việc giao chỉ tiêu đối với các trường cần căn cứ vào cơ sở vật chất, nhu cầu cơ cấu nguồn nhân lực, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trong ngắn hạn và trong dài hạn.

PV: Thực tế vừa qua, việc canh trạnh giữa trường công và trường tư ngày càng gay gắt. Theo ông, việc Nhà nước quản lý chặt chẽ đối với trường công về chỉ tiêu tuyển sinh, ngành đào tạo…có gây thiệt thòi cho các trường này?

 Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh: Chúng ta phải tiếp cận với cơ chế thị trường, chấp nhận quy luật của nó. Trường công thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, Nhà nước bỏ tiền ra, đặt hàng đào tạo, khác với các trường tư là chủ sở hữu, nhà đầu tư có lợi nhuận. Trường công không đặt ra mục tiêu về lợi nhuận. Việc sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học để các trường công vừa tự chủ để phát huy năng lực, cơ sở vật chất nhưng không thể thoát ly hoàn toàn khỏi sự quản lý của Nhà nước. Do đó, không thể nói các trường này bị thiệt thòi.