Các triệu chứng thường gặp ở trẻ: Khi nào đáng lo?

ANTĐ - Đau bụng, nhức đầu, sốt, phát ban… chỉ cần thấy một trong những biểu hiện khác thường đó là cha mẹ nào cũng cuống cuồng tìm cách giảm khó chịu cho con. Nhưng những rắc rối này ở mức nào mới nghiêm trọng và cần can thiệp y tế?

Sốt
Sốt ở trẻ thường là do nhiễm virus và hầu hết không nghiêm trọng. Nhiệt độ của trẻ con lên đến 39-40 độ C cũng không phải là nguyên nhân cần lo lắng. Vậy cần lo khi nào? Trẻ dưới 3 tháng tuổi có nhiệt độ (đo ở hậu môn) 38 độ C trở lên cần đi khám bác sỹ, cũng như bất cứ trẻ ở độ tuổi lớn hơn sốt và trông vẻ ngoài hơi xanh, khó thở, hoặc ăn uống một cách miễn cưỡng trong vài ngày. Đau khi đi tiểu hay nước tiểu có mùi, có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu. Sốt kéo dài kèm theo mệt mỏi tới hơn 2 tuần cần nghĩ đến bệnh nghiêm trọng hơn, tình huống xấu nhất xảy ra có thể là viêm màng não, bệnh bạch cầu.

Nhức đầu
Các bác sỹ nhi khoa cho biết, đau đầu thường xuyên (mỗi tháng một lần) là hiện tượng phổ biến ở lứa tuổi thiếu niên vì các em đều bị đau đầu do liên quan đến căng thẳng học hành. Nguyên nhân khác cũng có thể là do thiếu ngủ, dị ứng, mỏi mắt, dinh dưỡng kém, hoặc mất nước. Các triệu chứng đau đầu được coi là báo động khi gặp phải một trong các tình huống sau: Cơn đau đầu khiến trẻ vật vã vào ban đêm; ảnh hưởng đến sự phối hợp chung; Đau đầu kèm theo nôn mửa, buồn nôn, hoặc cứng cổ; cảm thấy khó chịu hơn khi đổ người về phía trước, khi ho, hoặc hắt hơi… Trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là có cục máu đông, viêm màng não, một khối u não. Còn thông thường, để làm dịu cơn nhức đầu ở trẻ, nếu không dùng thuốc giảm đau có thể cho trẻ ở phòng tối với một miếng vải mát đắp lên trán.

Đau tai
Đau tai là triệu chứng phổ biến của bệnh nhiễm trùng tai giữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cũng có thể là tác dụng phụ của cảm lạnh. Nếu con bạn bị đau tai dai dẳng kéo dài hơn 48 tiếng nên đi khám bác sỹ. Hãy chú ý quan sát những trường hợp đáng lo khác, đó là con bạn có chọc cái gì vào tai mình không, trẻ có bị sốt cao, khóc vì đau hay có tiền sử nhiễm trùng tai hay không. Tình huống xấu nhất có thể xảy ra là bị thủng màng nhĩ hay có dị vật trong tai.

Chảy máu cam
Nhiều khả năng là không khí trong nhà khô (trẻ ngoáy mũi cũng làm cho mũi khô hơn) làm cho trẻ chảy máu cam. Nhìn thì có vẻ chảy rất nhiều máu nhưng thông thường không cần có sự trợ giúp chuyên nghiệp. Chỉ cần lấy tay béo vào sống mũi trẻ trong khoảng 10 phút để ngăn máu chảy. Có thể dùng máy tạo độ ẩm và xịt mũi bằng nước muối để ngăn ngừa tái phát. Dù đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhưng trẻ liên tục chảy máu cam thì cần đi khám bác sỹ. Trường hợp xấu nhất có thể nghĩ đến là bệnh bạch cầu nhưng căn bệnh này thường đi cùng các triệu chứng khác như có vết thâm tím bất thường chẳng hạn.

Táo bón
Phụ huynh thường lo trẻ gặp rắc rối trong vấn đề “đi nặng”, nhưng trẻ vài ba ngày mới “đi” một lần và phân mềm là chuyện bình thường. Thường thì táo bón gây ra khó chịu nhiều hơn là nguy hiểm, nguyên nhân chủ yếu là chế độ ăn không đầy đủ hoặc là trẻ bị căng thẳng khi chưa hình thành thói quen đi vệ sinh. “Viễn cảnh” xấu nhất của tình trạng táo bón ở trẻ là bệnh suy giáp, tiểu đường. Lưu ý, hãy cho con đi khám bác sỹ nếu là trẻ sơ sinh trong tháng đầu tiên mà không đi mỗi ngày một lần hay đã thay đổi chế độ ăn nhưng triệu chứng thậm chí còn tệ hơn.

Đau bụng
Đây là biểu hiệu của khá nhiều chứng bệnh: táo bón, phản ứng với sirô hoặc đường lactose. Thậm chí trẻ đau đột ngột, quằn quại và khóc thì cũng có thể chỉ là liên quan đến khí hơi, đặc biệt là nếu cơn đau tự đến và biến mất. Đáng chú ý là, nếu con bị nôn, bị sốt hoặc bụng căng lên, không muốn di chuyển, cơn đau kéo dài và ngày càng tồi tệ, đau bụng kéo dài nhiều ngày - ngay cả khi nó không nghiêm trọng, cha mẹ nên đưa con đi kiểm tra cẩn thận. Xấu nhất trong trường hợp này là trẻ bị ngộ độc, nhiễm trùng do tiểu đường còn đau ở vùng bụng dưới bên phải có thể báo hiệu viêm ruột thừa.