Các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

ANTĐ - Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và có nhiều chủ trương, chính sách về tôn giáo và công tác tôn giáo. 

Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”.

Với chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, có những đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước trước đây và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào tôn giáo được nâng lên, đa số chức sắc, chức việc, tín đồ phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các ngành, các cấp đã chủ động, tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo tự do tín ngưỡng, đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo...

Đáng tiếc là một số người đã lợi dụng một số vụ việc vi phạm pháp luật, trong đó có sự tham gia của một số tín đồ tôn giáo, như các vụ từng xảy ra ở 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung, Hà Nội; hay mới đây ở xã Nghi Phương, Nghi Lộc, Nghệ An... để đưa ra những thông tin sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, thậm chí vu cáo chính quyền “đàn áp tôn giáo”... Những việc làm này đi ngược lại với nguyện vọng, ý chí của đại đa số chức sắc, tín đồ và bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để chống phá, cổ súy cho cái gọi là “tự do tôn giáo”, đòi “tôn giáo độc lập với Nhà nước”, gây sức ép, tạo cớ cho bên ngoài can thiệp. 

Phải khẳng định rằng, việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ cuộc sống bình thường của người dân là sự thể hiện tính pháp quyền của một nhà nước dân chủ, phù hợp với nguyên tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Hiến pháp năm 1992 của Nhà nước ta đã quy định: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật”. Điều đó có nghĩa, bất cứ ai dù ở cương vị nào, có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng, theo tôn giáo hay không theo tôn giáo, đều có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật và đều bị xử lý nếu có hành vi vi phạm pháp luật. Quy định này cũng hoàn toàn phù hợp với các văn kiện pháp lý quốc tế về quyền con người, như Điều 29 Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người đã nêu: “Mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng là nơi duy nhất mà ở đó nhân cách của bản thân họ có thể phát triển tự do và đầy đủ. Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung...”. 

Vì vậy, việc một số tín đồ tôn giáo có hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí phạm tội, như gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản của Nhà nước và của công dân, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích cho người khác... thì đương nhiên phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là đòi hỏi của công lý, của mọi người dân, trong đó có các chức sắc, tín đồ tôn giáo. Ai đó đứng ra bênh vực, cổ súy, thậm chí kích động những hành vi vi phạm pháp luật nêu trên có nhận thức được điều này? Và, cần xử lý nghiêm các hành động này theo pháp luật