Các tiêu chuẩn để du lịch ngoài vũ trụ là gì?

ANTD.VN - Với những người yêu thích thiên văn và vũ trụ, buổi nói chuyện "Chinh phục không gian-Tìm kiếm bến đáp mới cho sự sống" vừa diễn ra, là một dịp để được cập nhập các thông tin mới nhất cũng như tìm thấy đáp án cho câu hỏi, ngoài trái đất, con người có thể sống ở hành tinh nào?

Trong 90 phút, 2 diễn giả gồm Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Khoa Vật Lý,Trường ĐH KH Tự nhiên và ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) đã đưa ra cái nhìn toàn cảnh về lịch sử chinh phục không gian của con người từ những bước đi đầu tiên đến thế kỷ 21 với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ.

Trong đó, 2 diễn giả đã nhắc đến anh hùng Phạm Tuân và chuyến bay lên vũ trụ năm 1980 bằng niềm tự hào và hãnh diện khi ông là người Việt Nam và châu Á đầu tiên bước ra ngoài trái đất. Cùng với nhà du hành vũ trụ Xô Viết Viktor Vassilyevich Gorbatko, anh hùng Phạm Tuân đã được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur. Họ thực hiện nhiệm vụ trên trạm không gian Salyut 6 cùng với hai nhà du hành vũ trụ Xô viết khác.

Anh hùng Phạm Tuân là người Việt Nam và châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ

Với kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy và đi qua những quốc gia phát triển trên thế giới, 2 diễn giả còn chia sẻ thêm hiểu biết cá nhân về sự phát triển trong lĩnh vực phám phá vũ trụ, chinh phục không gian và những nỗ lực của các cường quốc trong việc tìm kiếm các hành tinh có sự sống. Đặc biệt, việc chinh phục không gian không còn là câu chuyện của các quốc gia mà còn có sự góp mặt của doanh nghiệp tư nhân.

Chuyến bay mang tên Demo-2 đã đánh dấu công ty SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên chở phi hành gia vào vũ trụ theo thỏa thuận hợp tác với NASA vào năm 2010.

Sự kiện cũng đánh dấu bước tiến lớn của con người trong việc chinh phục không gian và giảm được một khoản chi phí khổng lồ trong việc đưa con người lên vũ trụ.

Đặc biệt, điều mà nhiều người quan tâm về các điều kiện để du lịch trong không gian đã được các diễn giả giải đáp. Đó là bên cạnh khoản kinh phí khổng lồ lên tới vài chục triệu USD thì du khách còn là một phi công có 1.000 giờ bay và vượt qua các cuộc kiểm tra sức khỏe gắt gao. Đặc biệt là phải có bằng Thạc sĩ về các ngành khoa học cơ bản như Vật lý, Sinh học...

Với từng ấy tiêu chuẩn, rất ít người có thể đáp ứng được và việc du lịch trong không gian, được bước ra ngoài trái đất và tới với các hành tinh vẫn đang trở thành niềm mơ ước xa xỉ. 

Quang cảnh buổi tọa đàm về chinh phục không gian

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, ngay với các phi hành gia đáp ứng được các yêu cầu này thì việc sống trong điều kiện không trọng lực và rời khỏi trái đất cũng rất dễ khiến con người rơi vào trầm cảm và gần như phát điên. Thể chất con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các phi hành gia đã phải trải qua quá trình phục hồi cơ bắp rất vất vả sau khi trở về trái đất.

Với các hành tinh xa xôi như sao Hỏa, nếu đặt chân lên đó, con người phải hít thở bằng CO2 với bầu khí quyển rất nhỏ. Điều đó đồng nghĩa với việc, con người phải phơi mình dưới bức xạ. Để tránh điều đó, con người phải sống trong phòng kín và đương nhiên là không sung sướng gì.

Chính vì vậy, 2 diễn giả đều thống nhất và cho rằng, trái đất vẫn là hành tinh đáng sống nhất và chúng ta phải biết trân trọng và bảo vệ môi sinh. Tuy nhiên, không vì thế mà cuộc chinh phục không gian dừng lại, con người vẫn luôn khao khát được hiểu biết và tìm kiếm sự sống ở các hành tinh khác.