Các quốc gia thắt chặt các biện pháp hạn chế lây lan dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhằm hạn chế dịch bệnh Covid-19, hàng loạt các quốc gia tiếp tục có những biện pháp mạnh. Đơn cử, Ba Lan cấm các chuyến bay đến từ 46 quốc gia, trong khi Thủ đô Jakarta của Indonesia gia hạn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần; Anh thắt chặt các biện pháp cách ly; Hà Lan đóng cửa hàng loạt trang trại…

Hàn Quốc: Duy trì giãn cách xã hội cấp độ 2

Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Chung Sye-kyun tuyên bố nước này sẽ duy trì các biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 2 thêm 1 tuần tại Thủ đô Seoul và các khu vực lân cận kể từ ngày 30-8. Thủ tướng Chung Sye-kyun nêu rõ, dù có nhiều ý kiến kêu gọi nâng cấp độ thực hiện quy định giãn cách xã hội lên mức 3 - mức cao nhất, nhưng Chính phủ Hàn Quốc quyết định giữ nguyên cấp độ 2 để hạn chế các tác động đối với kinh tế và xã hội.

Thay vào đó, Chính phủ sẽ thảo luận cách thức để siết chặt hơn nữa các biện pháp cách ly hằng ngày, chẳng hạn giới hạn giờ mở cửa của các hàng ăn, quán cà phê và quy định cách thức hoạt động của những cơ sở này.

Ba Lan: Cấm các chuyến bay đến từ 46 quốc gia

Kể từ ngày 2-9 tới, Ba Lan cấm các chuyến bay đến từ 46 quốc gia, trong đó có Pháp và Tây Ban Nha, trong bối cảnh số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp Covid-19 tăng mạnh ở quốc gia Đông Âu này. Dự thảo quy định công bố ngày 27-8 nêu rõ, trước nguy cơ dịch bệnh lây lan, Ba Lan cần sử dụng quyền thực thi các lệnh cấm đối với giao thông hàng không để giảm thiểu mối đe dọa đối với y tế công. Ngoài Pháp và Tây Ban Nha, các quốc gia cũng là điểm đến thu hút khách du lịch như Montenegro, Croatia, cũng như Romania, Mỹ, Israel, Mexico và Brazil cũng nằm trong danh sách cấm nói trên.

Động thái trên được đưa ra sau khi Ba Lan áp đặt trở lại nhiều biện pháp hạn chế tại các khu vực chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 ở nước này. Ba Lan đã đóng cửa biên giới và ngừng tất cả các chuyến bay trong tháng 3 năm nay nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Tuy nhiên, nước này đã nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó mở cửa trở lại tất cả các trung tâm mua sắm, khách sạn và nhà hàng kể từ tháng 5. Ngày 1-7, Hãng hàng không quốc gia Ba Lan PLL LOT đã nối lại các chuyến bay quốc tế sau gần 4 tháng tạm ngừng hoạt động.

Anh: Tiếp tục áp dụng “Hành lang du lịch” để chặn dịch bệnh

Trong nỗ lực mới nhất nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, Bộ trưởng Bộ Giao thông Anh Grant Shapps thông báo đưa Cộng hòa Czech, Jamaica và Thụy Sỹ ra khỏi danh sách “Hành lang du lịch”. Theo đó, tái áp đặt quy định tự cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh đến từ 3 nước này. Trái lại, Anh đưa Cuba vào danh sách “Hành lang du lịch” trên, theo đó nới lỏng hạn chế đối với khách nhập cảnh từ đảo quốc Caribe này. Quyết định mới nói trên bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 29-8.

Tuần qua, Anh cũng tái áp đặt quy định tự cách ly đối với người nhập cảnh đến từ Croatia, Áo, Trinidad và Tobago, sau quyết định tương tự đối với Pháp, Hà Lan và một số quốc gia khác do quan ngại nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai tại châu Âu.

Hà Lan: Đóng cửa hơn 100 trang trại nuôi chồn

Tại Hà Lan, hơn 100 trang trại nuôi chồn sẽ phải đóng cửa vào tháng 3-2021 sau khi giới chức trách phát hiện nhiều con vật ở hàng chục trang trại nhiễm virus SARS-CoV-2. Hãng thông tấn ANP đưa tin Hà Lan từ lâu đã lên kế hoạch “xóa sổ” ngành nuôi chồn ở nước này vào năm 2024. Tuy nhiên, mới đây, Amsterdam quyết định triển khai sớm hơn việc đóng cửa sau khi một số lao động nông trại mắc Covid-19.

Chính phủ Hà Lan đã dành khoản ngân sách 180 triệu Euro (212 triệu USD) để bồi thường cho các nông dân. Số liệu của cơ quan thống kê Hà Lan cho biết, nước này hiện có 130 trang trại nuôi chồn với khoảng 900.000 vật nuôi để lấy lông xuất khẩu. Theo Hiệp hội Nông dân Pelt của Hà Lan, mỗi năm nước này xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới lượng lông chồn trị giá khoảng 90 triệu Euro (101 triệu USD).

Indonesia: Thủ đô Jakarta tiếp tục giãn cách thêm 2 tuần

Tại châu Á, Thủ đô Jakarta của Indonesia đã gia hạn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn thêm 2 tuần nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28-8 đến 10-9 tới.

Indonesia - Thủ đô Jakarta hiện là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 ở nước này, khi ghi nhận 760 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở thành phố này lên 36.213, trong đó có 1.146 ca tử vong. Đến nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 162.884 ca mắc Covid-19, trong đó có 7.064 ca tử vong.

Pháp: Không loại trừ khả năng tái áp đặt phong tỏa

Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo đeo khẩu trang sẽ là quy định bắt buộc ở tất cả mọi địa điểm công cộng trong Thủ đô Paris, một trong những “điểm nóng” của dịch bệnh tại Pháp. Các số liệu chính thức cho thấy hơn 5.400 ca nhiễm mới đã được ghi nhận trong 24 giờ qua, trong đó số ca nhập viện và phải điều trị tích cực gia tăng. Thủ tướng Jean Castex cảnh báo không loại trừ khả năng tái áp đặt phong tỏa dù Chính phủ sẽ cố gắng làm mọi cách để tránh việc này.

Đức: Bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng

Với số lượng các ca nhiễm mới tăng đáng kể trong những tuần gần đây, Chính phủ Đức buộc phải xem xét và đưa ra quyết định thắt chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang ở Đức đã nhất trí thắt chặt hơn nữa các biện pháp và quy định về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại nước này đang tăng trở lại trong những tuần gần đây.

Những biện pháp này bao gồm tiếp tục gia hạn lệnh cấm tổ chức các sự kiện lớn cho đến hết ngày 31-12 (áp dụng đối với các lễ hội, buổi hòa nhạc cũng như các sự kiện thể thao lớn có khán giả); đưa ra mức phạt tối thiểu 50 Euro (khoảng 59 USD) đối với những người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng như trong các cửa hàng, siêu thị hay trên các phương tiện giao thông công cộng.

Theo Thủ tướng Angela Merkel, trước tình hình số ca nhiễm mới gia tăng như hiện nay, việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng là quy định bắt buộc, trong đó các cơ quan quản lý trật tự phải có trách nhiệm giám sát và xử phạt nhất quán đối với người vi phạm. Bên cạnh đó, Thủ tướng Angela Merkel cũng lên tiếng yêu cầu người dân Đức tránh đi tới những khu vực và những quốc gia có nguy cơ cao đối với dịch bệnh Covid-19 như Mỹ và Ấn Độ.

Quy định xét nghiệm với những người trở về từ các khu vực có nguy cơ cao sẽ được bãi bỏ và áp dụng trở lại quy định cách ly. Theo đó, những trường hợp trở về Đức này phải báo cáo với các cơ quan y tế và tự cách ly. Những người này chỉ có thể ngừng cách ly trong trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính sớm nhất 5 ngày từ khi trở về Đức.

Cuba: Lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại Thủ đô La Habana

Trong bối cảnh Thủ đô La Habana của Cuba đang đối mặt với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Chính phủ Cuba đã công bố một loạt các biện pháp hạn chế để đối phó với sự lây lan của dịch bệnh tại Thủ đô, bao gồm cả lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Thủ hiến thành phố La Habana Reinaldo Garcia Zapata cho biết, do sự gia tăng liên tiếp của các ổ dịch tại La Habana trong những ngày qua, Chính phủ Cuba buộc phải đưa ra một gói các biện pháp hạn chế mới.

Cụ thể, gói biện pháp mới sẽ được áp dụng kể từ ngày 1 đến 15-9 bao gồm việc hạn chế đi lại tại Thủ đô La Habana như cấm người và phương tiện di chuyển trong khoảng thời gian từ 19h đến 5h sáng; đình chỉ việc vận chuyển liên tỉnh với các mục đích du lịch hay nghỉ dưỡng cũng như cấm người và phương tiện ra khỏi thành phố. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng quyết định đóng cửa các trung tâm sản xuất không thường xuyên và ưu tiên làm việc từ xa, đồng thời tuyên bố sẽ triển khai thêm lực lượng cảnh sát trên đường phố và áp dụng các hình thức phạt nặng đối với những người không đeo khẩu trang hay vi phạm các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.