Các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương chủ động ứng phó với làn sóng dịch Covid-19 mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 3-12 đã kêu gọi các các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên tăng cường năng lực của hệ thống y tế và tiêm chủng đầy đủ cho người dân để chuẩn bị cho đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 do biến thể Omicron gây ra.
Xét nghiệm Covid-19 cho hành khách trước khi lên máy bay ở sân bay Sydney, Australia

Xét nghiệm Covid-19 cho hành khách trước khi lên máy bay ở sân bay Sydney, Australia

Biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên vào tháng trước và được WHO xác định là “biến thể đáng lo ngại”. Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục thu thập dữ liệu để xác định khả năng lây truyền và tình trạng bệnh nếu nhiễm Omicron. Đến nay, biến thể này đã xuất hiện ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các nước châu Á - Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Ấn Độ, bắt đầu ghi nhận sự xuất hiện của Omicron trong tuần này.

Nhiều nước đã nhanh chóng siết chặt các quy định về đi lại để giảm thiểu nguy cơ biến thể xâm nhập. “Các biện pháp kiểm soát biên giới có thể giúp kéo dài thời gian nhưng mỗi quốc gia và mỗi cộng đồng phải chủ động chuẩn bị để ứng phó với những đợt bùng phát mới”- ông Takeshi Kasai, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát biểu tại cuộc họp báo từ Thủ đô Manila, Philippines ngày 3-12.

Theo ông Takeshi Kasai, không chỉ nên dựa vào các biện pháp kiểm soát biên giới, mà điều quan trọng nhất là chuẩn bị ứng phó với những biến thể có khả năng lây truyền cao. Các thông tin nghiên cứu về Omicron đến nay cho thấy chưa cần thay đổi cách tiếp cận phòng, chống dịch hiện nay. Quan chức WHO nhấn mạnh các nước cần tận dụng các bài học kinh nghiệm rút ra từ các đợt bùng phát dịch trước đó, đặc biệt là đợt bùng phát biến thể Delta. Ông Kasai kêu gọi các nước đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho các nhóm dễ bị tổn thương và thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và các biện pháp giãn cách xã hội…

Liên quan đến biến thể Omicron, mặc dù đã áp dụng các biện pháp hạn chế đối với du khách quốc tế, nhưng Ausralia đã trở thành quốc gia mới nhất ghi nhận sự lây truyền của biến thể này trong cộng đồng ngày 3-12. Bộ trưởng Y tế Greg Hunt cho biết, tất cả 9 trường hợp mắc biến thể Omicron mới được phát hiện ở nước này đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Trước đó, ngày 2-12, biến thể Omicron cũng được phát hiện tại 5 tiểu bang ở Mỹ.

Cũng theo Tiến sĩ Kasai, trên toàn cầu, số ca nhiễm Covid-19 đã gia tăng trong 7 tuần liên tiếp và số ca tử vong cũng bắt đầu tăng trở lại, phần lớn là do biến thể Delta. “Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy nhiều đợt lây nhiễm gia tăng trong tương lai. Chừng nào còn tiếp tục lây truyền, virus có thể tiếp tục đột biến và sự xuất hiện của biến thể Omicron nhắc nhở chúng ta phải luôn trong tình trạng cảnh giác đối phó với dịch bệnh” - ông Kasai nói.

Đại diện WHO cũng đặc biệt nhấn mạnh về khả năng gia tăng số ca nhiễm Covid-19 do người dân di chuyển nhiều hơn trong kỳ nghỉ lễ vào cuối năm. Cùng với đó, thời tiết mùa đông có thể sẽ kéo theo các bệnh đường hô hấp truyền nhiễm khác như cúm cùng với

Covid-19. “Rõ ràng là đại dịch này còn lâu mới kết thúc và tôi biết rằng, mọi người đang lo lắng về biến thể Omicron. Nhưng thông điệp của tôi hôm nay là chúng ta có thể điều chỉnh cách ứng phó tốt hơn, hiệu quả hơn với các đợt bùng phát trong tương lai, giảm các tác động đến sức khỏe, xã hội và nền kinh tế”.