Các phố nghề của Thăng Long một thời vang bóng

ANTD.VN - Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của nghề đúc đồng với các bán thành phẩm, phế phẩm ở Hà Nội trong đó có Thành Dền (huyện Mê Linh), Cổ Loa (huyện Đông Anh), hay nghề rèn sắt ở Phù Dực (huyện Gia Lâm), Canh (huyện Từ Liêm) và nhiều nghề khác có từ trước Công nguyên. 

Những bước thăng trầm 

Các phố nghề của Thăng Long một thời vang bóng ảnh 1Phố Hàng Bạc, đất tổ nghề kim hoàn của Thăng Long - Hà Nội

Những kết quả khảo cổ học cũng cho thấy các làng nghề này nằm trong quy luật bản địa hóa các yếu tố ngoại sinh. Cùng với các nghề có yếu tố ngoại sinh thì Hà Nội xưa cũng có nhiều nghề nội sinh như gốm sứ Bát Tràng, bắt rắn ở Lệ Mật… 

Hầu hết các làng nghề thủ công ở Thăng Long vốn chỉ là nghề phụ khi nông nhàn, không ít làng có tới 2 - 3 nghề. Dưới thời Lê, do ảnh hưởng của Nho giáo nên quan niệm “sĩ - nông - công - thương” bao trùm xã hội. Không những thế, Nhà nước độc quyền về buôn bán và sản xuất các mặt hàng thủ công, chính quyền phong kiến Trung ương đã  lập ra xưởng gọi là “bách tác” sản xuất ra đủ các sản phẩm để cung cấp cho triều đình, quân đội. Họ chiêu mộ các thợ giỏi ở khắp mọi miền rồi đưa về Thăng Long, những người thợ này chỉ việc làm theo các mẫu do chính Nhà nước thiết kế. Điều này khiến những thợ giỏi không có cơ hội để tạo ra các mẫu mã mới. Thậm chí vào năm 1469, vua Lê Thánh Tông còn ra chỉ dụ cấm các cơ quan Nhà nước đưa đồ ra sửa chữa ở các xưởng của tư nhân. 

Việc Nhà nước phong kiến độc quyền thương mại và sản xuất hàng hóa đã không làm cho thương mại phát triển, đây chính là nguyên nhân hạn chế sự phát triển của các làng nghề thủ công ở Thăng Long. Tuy nhiên, một số quan lại khi đi sứ đã học được kỹ thuật nghề thủ công và sau đó lén truyền dạy cho dân, ví dụ như Lê Công Hành mang nghề thêu từ Trung Hoa thế kỷ XVI dạy cho dân các làng Hướng Dương,Vũ Lăng, Đào Xá. 

Sau này, tình thế đã hoàn toàn thay đổi khi mọi quyền bính nằm trong tay họ Trịnh. Dù ngăn cản việc buôn bán với nước ngoài, nhưng nhà Trịnh không thể ngăn cản buôn bán diễn ra ở Thăng Long. Để có tiền ăn chơi, xây lầu, các quan trong triều không ngần ngại lao vào các hoạt động buôn bán. Trong bản báo cáo do thương gia Hà Lan Van Riebeeck gửi về Amsterdam năm 1648 đã tố cáo quan Thượng thư cùng 2 quan cấp dưới đã lạm dụng quyền hạn, tích lũy tơ lụa thu mua của các làng nghề để bán ra nhằm trục lợi. Song, việc buôn bán vẫn phải kín đáo, chính vì thế các viên quan thường núp sau lưng vợ để mở cửa hàng. Đến cuối thế kỷ thế kỷ XVII đã xuất hiện các cửa hàng trong phường nghề, thế mới xuất hiện từ phố. Trong một bức thư, nhà truyền giáo Filippo de Marini viết: “Đầu mỗi phố đều treo một biển gỗ, trên đó có tên các mặt hàng, danh sách các cửa hàng nên đến và không nên đến”. 

Phố nghề nay gần như chẳng còn

Đến thời nhà Nguyễn, thương mại và thủ công tự do phát triển, các phố nghề phình ra to hơn để đáp ứng cho thương mại ngày càng  mở rộng ở Hà Nội. Các gia đình có nghề thủ công vừa gia công cho người đặt hàng, vừa bán các sản phẩm tại chính nơi sản xuất. Thợ kim hoàn tập trung ở phố Hàng Bạc, thợ thêu, thợ làm kiệu, làm trống tập trung ở phố Hàng Trống, thợ khảm trai tập trung ở Hàng Khảm (nay là phố Hàng Khay), thợ đồng thì có mặt ở Ngũ Xã, Hàng Đồng...

Trước khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội năm 1882 thì phố nghề vẫn gắn với thương mại. Trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” (xuất bản năm 1892) bác sỹ Hocquard viết: “Các cửa hàng thêu đều tập trung trên một phố, đồ mộc, bánh ngọt, vải lụa cũng vậy”. Song, mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Công sứ Bonnal cho quy hoạch lại khu vực xung quanh hồ Gươm, mở rộng đường Tràng Tiền thì các xưởng làm nghề khảm trai ở phố Hàng Khảm phải dành đất cho con đường. Đến năm 1888, Hà Nội trở thành nhượng địa thì mọi chuyện đã hoàn toàn khác vì nó  không còn do nhà Nguyễn quản lý mà thành đất của Chính phủ Pháp và hoạt động theo luật của chính quốc. Khu vực “36 phố phường” phải tuân theo quy định phá bỏ nhà lá, xây nhà theo chỉ giới, có cống thoát nước và nhà vệ sinh.

Năm 1902, Hà Nội trở thành Thủ đô của Liên bang Đông Dương, chính quyền cho đặt tên phố và đánh số nhà. Đất đai khu vực này trở nên đắt đỏ khiến nhiều gia đình có nghề thủ công đã phải bán nhà để mua ở nơi xa hơn, vừa rẻ lại rộng rãi để làm xưởng. Ví dụ như nghề nhuộm vải ở phố Hàng Lam (nay là Hàng Ngang) chuyển về phía nam hồ Gươm (nay là phố Hàng Bông và Thợ Nhuộm), cơ sở sản xuất thủy tinh ở Hàng Bồ chuyển về phố Khâm Thiên... Nhà sử học Trần Quốc Vượng đã gọi giai đoạn này là “Hà Nội thay da đổi thịt, thay cả nghề thủ công cổ truyền”. Phố Hàng Gà, Hàng Gai, Hàng Thêu, Hàng Trống, Hàng Da... chỉ còn là tên gọi. Thương nghiệp lấn thủ công nghiệp trước sự xâm nhập của hàng hóa ngoại. Giai cấp tư sản và tiểu tư sản thành thị ra đời đã đẩy các nghề thủ công vốn sử dụng nhiều lao động và cần mặt bằng rộng trở về các làng quê, và Hà Nội chỉ là nơi bán các sản phẩm do các nhà buôn đặt.    

Ngày nay thì các phố nghề gần như không còn. Ở phố Lò Rèn duy nhất còn lại một nhà, phố Hàng Bạc thì vẫn có khá nhiều hộ làm nghề vì nghề này không cần diện tích rộng và nhiều lao động. Ngay tại các làng nghề truyền thống thì không ít nghề bị co lại hoặc chuyển đổi mặt hàng, ví dụ như nghề làm chăn bông ở Trát Cầu (huyện Thường Tín) nhiều gia đình chuyển sang mở xưởng làm chăn từ bông hóa học. Hà Nội là thành phố có nhiều nghề thủ công nhất nước, từ khảm trai, thêu, mây tre đan, khâu nón, đến làm quạt, mộc, gốm sứ,... Nhưng có một thực tế là rất ít làng gắn nghề thủ công truyền thống với du lịch.