Các ông “bầu” VPF: Vừa đá bóng, vừa thổi còi?

ANTĐ - Cuộc “cách mạng của các ông bầu” thành công với sự ra đời của VPF là sự kiện đáng mừng cho bóng đá Việt Nam. Song nhiều người lo ngại, việc nhiều lãnh đạo đội bóng “có chân” trong bộ máy điều hành công ty này sẽ kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Nhiều ông bầu các đội bóng ở mùa giải tới có tiếng nói quyết định trong VPF

Trọng tài sợ các ông bầu?

Thực tế, cuộc chuyển quyền điều hành V-League từ VFF sang VPF kéo theo cả QUYỀN và LỢI của trọng tài. Dưới thời do VFF quản lý, các trọng tài dường như nắm quyền lực tối thượng. Ngay cả khi gặp “tai nạn”, chỉ sau một cuộc họp kín của VFF là tất cả đều an toàn, có chăng chỉ phải “rút kinh nghiệm sâu sắc” hay cùng lắm là treo còi một vài trận. Thế nhưng, có vẻ như cái “thời vàng son” ấy giờ chỉ còn là quá khứ, khi mà VPF với các quy định ngặt nghèo ra đời. Cụ thể, các trọng tài chịu sự giám sát, quản lý của Ban trọng tài, cao hơn là HĐQT VPF. Với mức lương kỷ lục (khoảng 400 triệu/mùa giải), “nồi cơm” của các trọng tài được đảm bảo nhưng cũng có thể bị đá bay bất cứ khi nào nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ. Chiếu theo cơ cấu hoạt động của VPF, mức lương của giới trọng tài được quyết định bởi lãnh đạo công ty (đa phần do các ông “bầu” nắm giữ). Và với việc “có chân” trong HĐQT công ty VPF, rõ ràng dù các ông “bầu” không “tác động” thì giới trọng tài cũng ít nhiều chịu sức ép nhất định mỗi khi cầm còi các trận đấu có đội bóng của “lãnh đạo”.

Bài toán “lấp đầy các khán đài”

Bản thân “bầu” Kiên - người đi đầu trong việc sáng lập, cũng phải thừa nhận: “VPF không thể ngay lập tức xóa bỏ những hạn chế tồn tại nhiều năm qua của bóng đá Việt Nam”. Ngay từ khi còn thai nghén, một trong những tôn chỉ hàng đầu của VPF là kéo người xem đến sân càng đông càng tốt, bởi như lời một ông bầu thì “bóng đá sẽ chết nếu không có khán giả”. Thiết thực hơn là việc kiếm nguồn tiền khổng lồ từ quảng cáo, bán bản quyền truyền hình... Đại hội cổ đông lần thứ nhất đã vẽ ra một viễn cảnh xán lạn: V-League thu lãi ngay từ mùa giải 2012 và số tiền sẽ tăng dần đều trong các năm sau. Nhưng thực tế, tính toán trên sẽ trở nên vô nghĩa nếu V-League không có khán giả. Có một nghịch lý là từ khi chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp, giải vô địch quốc gia lại dần thưa thớt khán giả. Nguyên nhân được chỉ ra là do chất lượng chuyên môn thấp, tiêu cực nhiều. Và yếu tố quyết định thành công hay thất bại của VPF trong tương lai chính là việc khắc phục những tồn đọng trên.

Từ lâu, dựa vào quan hệ mật thiết giữa các ông “bầu” đội bóng, chuyện xin-cho điểm số đã chẳng còn hiếm. Ngoài ra, nhiều đội bóng cũng không ngoại trừ việc “đi đêm” trọng tài để đạt được mục đích. Ngay tại V-League 2011 cũng có nhiều trận đấu bị nghi “có mùi” và dù không điều tra tới cùng song đã có 3 trọng tài bị đuổi vĩnh viễn. Với sự ra đời của VPF, các đội bóng không phải đóng lệ phí giải, không “phải” thưởng quá 500 triệu đồng/trận, lại còn có thể thu lời từ chính VPF… và sẽ dư ra khoản tiền đáng kể để lo các chi phí khác. Nhưng liệu rằng trong số “chi phí khác” đó sẽ không có việc “đi đêm” trọng tài?

Tất nhiên, những lo ngại trên vẫn chỉ dừng ở suy nghĩ, còn thực tế ra sao thì chỉ có thời gian mới cho câu trả lời.