Các nhà khoa học nói gì về vị trí đặt ga tàu điện ngầm C9 gần Hồ Gươm?

ANTD.VN - "Về cơ bản, nhiều người dân đều bày tỏ sự đồng thuận với mặt bằng ga C9 hiện nay, từ người dân chỉ đến tham quan, ngắm cảnh Hồ Gươm đến các nhà sử học nắm vững lịch sử Thủ đô cũng bày tỏ sự đồng tình”, ông Lê Trung Hiếu cho hay.

Phương án tối ưu, hài hòa giữa giao thông và bảo tồn

Ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội thông tin, chỉ trong 3 tuần trưng bày phương án tổng thể mặt băng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo, đã thu hút được 1.800 ý kiến đóng góp của người dân về phương án vị trí và thiết kế tổng mặt bằng ga ngầm C9.

“Về cơ bản, nhiều người dân đều bày tỏ sự đồng thuận về mặt bằng ga C9 hiện nay, từ người dân chỉ đến tham quan, ngắm cảnh Hồ Gươm đến các nhà sử học, quan tâm đến lịch sử Thủ đô cũng bày tỏ sự đồng tình”, ông Lê Trung Hiếu cho hay.

Vị trí đặt ga tàu điện ngầm C9 thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân

Trao đổi về mặt bằng quy hoạch ga ngầm C9, GS Sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bày tỏ, vị trí đặt ga ngầm C9 của tuyến đường sắt đô thị khá “nhạy cảm” nên từ người dân tới các chuyên gia, đều quan tâm là chuyện hết sức thông thường.

Theo GS Dương Trung Quốc, quá trình Hà Nội lên kế hoạch, xây dựng phương án, rồi  tuyên truyền, lấy ý kiến nhân dân là rất công khai, cầu thị. Từ đó chắc chắn sẽ có kết quả khả quan, nhận được sự đồng tình cao của nhân dân. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là bước đầu để đưa dự án tới gần hơn, rộng rãi hơn với người dân. Thiết nghĩ, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cần tiếp tục mở rộng thông tin tới người dân về dự án, tiến độ cũng như lộ trình thực hiện.

Một giáo sư lịch sử khác- GS Phan Huy Lê cũng chia sẻ, ban đầu, khi  dự án mới được đề xuất nghiên cứu ông là một trong những người phản đối khá gay gắt, nhất là phương án đặt ga ngầm C9.

“Tôi chính là một  trong những người yêu cầu phải đưa phương án tổng thể vị trí ga ngầm C9 ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, để người dân góp ý kiến cũng như chia sẻ khi dự án đi vào triển khai”, GS Phan Huy Lê cho hay.  

Cảnh quan ga ngầm C9 sau khi hoàn thiện

Và, sau nhiều năm đồng hành cùng Hà Nội và dự án, cùng những ý kiến trao đổi, đóng góp và sự tiếp thu, thay đổi từ phía chủ đầu tư dự án, cuối cùng, phương án tổng thể vị trí đặt ga ngầm C9 đã thuyết phục được vị giáo sư khá khó tính này.

GS Phan Huy Lê nhìn nhận: “Phương án hiện tại mà phía chủ đầu tư đưa ra đã giải quyết hài hòa nhất có thể cả nhu cầu phát triển giao thông của Hà Nội và mục đích bảo tồn quần thể di tích hồ Hoàn Kiếm. Ngoài ra, nghĩ tích cực hơn, ga ngầm C9 còn góp phần phát huy giá trị của hồ Hoàn Kiếm”.

Không ảnh hưởng gì đến quần thể di sản hồ Hoàn Kiếm

“Theo kinh nghiệm khảo cổ mà chúng ta đã có thì khu vực này không cần thiết phải tiến hành khai quật trước mà có thể tiến hành song song với việc thi công dự án. Mặt khác, phương án đặt ga sâu dưới mặt đất từ 15 - 19m cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến quần thể di sản hồ Hoàn Kiếm”, GS Phan Huy Lê chia sẻ.

Theo thiết kế ban đầu, ga ngầm C9 có 4 cửa lên xuống, phía hồ Hoàn Kiếm (phía Tây) có 2 cửa. Nhưng tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, để tránh áp lực giao thông quá lớn lên quần thể di sản, một cửa đã được đưa sang phía Đông, ven Bờ Hồ chỉ còn một cửa. Theo tính toán của Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, cửa ven Bờ Hồ sẽ có khoảng 5.000 lượt hành khách lên xuống mỗi ngày.

GS Phan Huy Lê cũng lưu ý, chủ đầu tư cần thiết kế cửa lên xuống của ga ngầm C9 này sao cho hài hòa với khu vực Bờ hồ Hoàn Kiếm. Sau khi dự án hoàn thành cần quan tâm đến phương án tổ chức giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh.

Và, GS Phan Huy Lê cũng như GS Dương Trung Quốc đều bày tỏ mong muốn dự án sớm được triển khai, hoàn thiện để đưa vào vận hành, phục vụ giao thông đô thị khu vực nội đô Hà Nội. “Đến thời điểm này mà chúng ta mới triển khai xây dựng 1 tuyến tàu điện ngầm là quá muộn rồi. Tôi thực sự rất mong dự án sớm khởi công và đảm bảo tiến độ đề ra. Việc đảm bảo tiến độ không những giúp cho tuyến đường sắt đô thị sớm được đưa vào khai thác, phục vụ nhân dân, quan trọng hơn nữa là đảm bảo độ an toàn và mỹ quan cho quần thể di sản bên trên”, GS Dương Trung Quốc bày tỏ.

Theo quy hoạch tổng thể, nhà ga ngầm C9 được xây ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Hồ Gươm. Công trình dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm khoảng 10 m, tới tượng đài Cảm tử 81 m, đến đền Bà Kiệu 83 m, đến Tháp Bút 36 m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m. 

Ga có 4 cửa lên xuống. Cửa số 1 được bố trí cùng cụm công trình phụ trợ trong khuôn viên Tổng công ty Điện lực Hà Nội; cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và một phần đất của Tổng công ty Điện lực miền Bắc; cửa số 3 nằm trong khu vực vườn hoa Hồ Gươm (khu vực nhà vệ sinh đối diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội); cửa lên xuống số 4 có hai phương án, một là nằm phía trước điểm thông tin và hỗ trợ khách du lịch (cửa hàng Hồ Gươm Audio - Video Hà Nội cũ) hoặc dịch chuyển vị trí ra phố Hàng Dầu để tránh xâm phạm vào vùng bảo vệ I của di tích đền Bà Kiệu.