Các nhà bảo vệ môi trường nói về kết luận nguyên nhân cá chết

ANTĐ - Các nhà bảo vệ môi trường đánh giá: “Nhìn vào kết quả xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ven biển miền Trung vừa được công bố có thể thấy, các cơ quan quản lý Nhà nước đã làm việc hết sức nghiêm túc, khoa học và thận trọng".

Các nhà bảo vệ môi trường nói về kết luận nguyên nhân cá chết  ảnh 1

Quan trọng là phải khắc phục hậu quả để ngư dân có thể quay trở lại bám biển

GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Môi trường và Thiên nhiên Việt Nam:

Sớm khắc phục hậu quả để ngư dân tiếp tục bám biển

“Nhìn vào kết quả xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ven biển miền Trung vừa được công bố có thể thấy, các cơ quan quản lý Nhà nước đã làm việc hết sức nghiêm túc, khoa học và thận trọng. Kết quả công bố là đúng với thực tế, tuy nhiên về mặt thời gian còn chậm so với mong đợi của người dân.

Về những “lỗ hổng” trong việc cấp phép, giám sát tôi cho rằng, các quy định pháp luật không thể bao trùm toàn bộ được đời sống nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế -xã hội ngày càng phức tạp hơn, vì vậy cần rút kinh nghiệm và điều chỉnh. Nhưng cơ bản nhất là kiểm tra, kiểm soát và quản lý còn hạn chế, đặc biệt là việc kiểm soát của Sở Tài nguyên và Môi trường ở các địa phương. Nếu không có sự cải thiện thì nhiều nơi có thể sẽ xảy ra những sự cố trầm trọng về môi trường.

Về những công việc trong thời gian tới, việc phục hồi môi trường biển không phải vấn đề đơn giản. Quan trọng là phải ngăn chặ,n không để nguồn thải tiếp tục đổ ra biển và đợi môi trường tự nhiên tự phục hồi. Cùng với đó, cần phải tiếp tục đánh giá, xử lý và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu Formosa không để việc xả thải diễn ra như vậy.

Ngoài ra, trong việc đền bù, khắc phục hậu quả, phải làm sao để ngư dân có thể tiếp tục bám biển, không phải chuyển đổi nghề nghiệp. Cần nhanh chóng kiểm tra, kiểm soát, đưa ra thông báo để người tiêu dùng không quay lưng với mặt hàng hải sản và ngư dân có thể tiếp tục ra biển đánh bắt trở lại. Việc ngư dân tiếp tục khai thác vừa đáp ứng yêu cầu đảm bảo sinh kế về lâu dài, đồng thời cũng góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR):

Không cho phép lặp lại những sự cố tương tự

“Việc công bố kết luận vụ cá chết là nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, câu chuyện bây giờ là làm sao để biển miền Trung có thể phục hồi, đảm bảo cho ngư dân có thể tiếp tục khai thác nguồn lợi hải sản. Đây là những việc hết sức quan trọng và có thể coi là những thách thức. Như chúng ta đã biết, kinh tế các tỉnh miền Trung rất khó khăn, người dân phụ thuộc nhiều vào biển với các hoạt động khai thác nguồn lợi từ biển như hải sản, du lịch... Thế nên, sự cố môi trường này ảnh hưởng rất lớn tới người dân. Sau sự cố này, người dân bị thiệt hại có thể sẽ được đền bù và tạo công ăn việc làm nhưng không phải tất cả đều có thể làm việc trong các nhà máy, vì vậy cần tìm hướng để có thể phục hồi một cách bền vững.

Qua sự việc này cũng có thể thấy, từ việc đầu tư, kiểm soát, đều được thực hiện theo quy trình nhưng vẫn có sự cố môi trường. Do đó, cần xem xét lại những quy trình đó để đảm bảo không lặp lại những sự cố trong tương lai”.