- Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng bị đề nghị đến 7 năm tù
- Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương khai nhận “bút phê” trong dự thảo ưu đãi giá điện
- Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương và các bị cáo liên quan hầu tòa
Luật sư đều đồng thuận về tội danh
Bào chữa các bị cáo, nhiều luật sư trình bày về các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhân thân tốt, quá trình công tác có nhiều thành tích và xin Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét lại vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội để khoan hồng cho các bị cáo.
Bị cáo Phạm Quang Vinh (cựu Phó phòng nghiệp vụ, Cục thuế tỉnh Bình Phước) bị cáo buộc có hành vi thẩm định hồ sơ hoàn thuế của Công ty Lộc Ninh 3, thống nhất về việc công ty này có đầy đủ hồ sơ và đáp ứng các điều kiện để xét hoàn thuế.
![]() |
Đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà |
Luật sư Ngô Lệ Quỳnh bào chữa cho bị cáo Phạm Quang Vinh cho rằng, thời điểm các bị cáo thẩm định hồ sơ hoàn thuế của Công ty Lộc Ninh 3 không có quy định nào bắt buộc hồ sơ hoàn thuế phải có quy định giao đất. Do đó, nhiều cán bộ ngành thuế nhận thức rằng họ không có nhiệm vụ phải kiểm tra pháp lý đất đai.
Bị cáo Vinh ký thẩm định là do nhận thức pháp luật không đầy đủ, bị cáo chỉ biết doanh nghiệp có đủ điều kiện đăng ký theo ngành nghề, đủ điều kiện để thẩm định pháp chế. Bị cáo cũng không nhận được lợi ích, không có động cơ. Đến nay, bị cáo đã nhận thức sai phạm và thiệt hại đã được khắc phục.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Duy Khánh (cựu Cục phó Cục thuế tỉnh Bình Phước) đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo với lý do hành vi phạm tội của bị cáo không nguy hiểm, không thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Không tranh luận về tội danh, luật sư Hoàng Văn Hướng, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu Khải (cựu Trưởng phòng Kinh doanh mua điện, Công ty Mua bán điện) chỉ đề nghị Viện kiểm sát, HĐXX xem xét lại nguyên nhân, bối cảnh phạm tội cũng như mức độ hành vi của bị cáo Khải.
Bị cáo Nguyễn Hữu Khải đề bị nghị mức án 5-6 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo cáo buộc, bị cáo này biết rõ Nhà máy điện Lộc Ninh 3 xây dựng không đúng vị trí, không đủ điều kiện để được công nhận ngày vận hành thương mại (COD).
Tuy nhiên, bị cáo cùng với các bị cáo khác ở Công ty Mua bán điện vẫn tiến hành thẩm định, duyệt, ký, cấp văn bản công nhận ngày vận hành thương mại trái với quy định dẫn đến thiệt hại 209 tỷ đồng cho EVN.
Luật sư Hướng cho rằng bị cáo Khải không cố ý phạm tội, chỉ chủ quan do trên thực tế chưa bao giờ có trường hợp nhà máy điện xây dựng sai vị trí nên dẫn đến sai phạm xảy ra. Thực tế, bị cáo đã thực hiện công việc hoàn toàn theo quy trình do EVN ban hành.
Sau khi biết nhà máy điện Lộc Ninh 3 xây dựng không đúng vị trí, bị cáo Khải đã đề nghị dừng thanh toán, ngăn chặn thiệt hại và tạo điều kiện thu hồi tài sản thiệt hại. Luật sư cũng nêu các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo Khải và đề nghị HĐXX khoan hồng, áp dụng hết các tình tiết giảm nhẹ, xử phạt bị cáo bằng mức thời gian tạm giam.
Nêu giải pháp khắc phục hậu quả nhanh chóng
Liên quan vấn đề thiệt hại, luật sư Phan Thị Lam Hồng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Lộc Ninh 3 cho biết Công ty đồng ý với xác định thiệt hại hơn 209 tỷ đồng.
![]() |
Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa |
Tuy nhiên, hiện Nhà máy điện Lộc Ninh 3 vẫn đang bán điện cho EVN và EVN vẫn tạm giữ tiền điện, chưa thanh toán cho Công ty hơn 693 tỷ đồng. Luật sư đề nghị HĐXX cho phép hai bên đối trừ để hậu quả vụ án được giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, tạo cơ hội cho các bị cáo được giảm nhẹ hơn nữa khi hậu quả vụ án đã được khắc phục hết.
Ngoài ra, phía Công ty Lộc Ninh 3 cũng đề nghị EVN ký lại phụ lục hợp đồng với mức giá điện chuyển tiếp để hai bên có căn cứ giao dịch, thanh toán.
Về ý kiến này, luật sư bảo vệ cho EVN cho biết nếu HĐXX đồng ý cho khấu thì thì EVN cũng đồng ý. Về phụ lục hợp đồng, khi có bản án có hiệu lực pháp luật, EVN sẽ căn cứ vào bản án để ký lại các văn bản, thỏa thuận từ đó thực hiện việc thanh toán.
Sau khi các luật sư bào chữa, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đối đáp lại một số nội dung. Đối với các ý kiến bổ sung tài liệu về tình tiết giảm nhẹ, VKS ghi nhận và đề nghị HĐXX xem xét.
Về diện đối tượng hưởng ưu đãi giá điện 9,35 Uscents/kWh, VKS dẫn chứng nội dung Nghị quyết 115 của Chính phủ và nhấn mạnh dự án được hưởng cơ chế ưu đãi giá phải đáp ứng 3 điều kiện. Thứ nhất, dự án phải thuộc quy hoạch điều chỉnh điện VII trước ngày 31-8-2018, tổng công suất không quá 2.000 MW và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1-1-2021.
Tháng 10-2019, Bộ Công thương có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch đối với Nhà máy điện Thuận Nam. Tháng 1-2020, Thủ tướng Chính có công văn đồng ý cho Dự án điện Thuận Nam được bổ sung quy hoạch.
Tuy nhiên, khi bổ sung Nhà máy điện Thuận Nam vào quy hoạch điện VIII điều chỉnh thì tổng công suất tích lũy các dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận vượt quá 2.000 MW. EVN đã có nhiều văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị sớm phê duyệt danh sách các dự án được hưởng cơ chế giá điện ưu đãi.
Đại diện VKS khẳng định Nhà máy điện Thuận Nam không đủ điều kiện được hưởng cơ chế giá ưu đãi. Do đó, việc cáo trạng kết luận Công ty Thuận Nam hưởng lợi bất chính là có cơ sở.