Các dự án điện - niềm hy vọng sống của loài Gorilla ở Virunga

ANTĐ - Giám đốc Vườn quốc gia Virunga (Công-gô) đang nỗ lực xây dựng các dự án nhằm phát triển điện hạ tầng, với hy vọng sự thịnh vượng do nguồn điện mang lại sẽ góp phần làm giảm thiểu các hành vi bạo lực và tội phạm trong vườn quốc gia, gây nguy hiểm cho động vật hoang dã nói chung và cho loài Gorilla núi nói riêng.

Virunga là vườn quốc gia lâu đời nhất và cũng là khu bảo tồn đa dạng sinh học lớn nhất ở Châu Phi. Đặc biệt, đây được coi là nơi ẩn náu cuối cùng cho loài Gorilla núi. Tuy nhiên, môi trường này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi các cuộc xung đột vũ trang, nạn chặt phá rừng và săn bắt động vật trái phép. 

Virunga được coi là nơi ẩn náu cuối cùng của loài Gorilla núi

Do đó, chính quyền Virunga và giám đốc vườn quốc gia đang xây dựng một chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng điện, với hy vọng sự thịnh vượng do dự án này mang lại sẽ góp phần làm giảm thiểu các hành vi bạo lực và tội phạm gây trong vườn quốc gia.

Nhà máy thủy điện Matebe đang được xây dựng, dự tính sẽ sản xuất khoảng 13 MW năng lượng sạch. Nguồn năng lượng này sẽ được sử dụng để hỗ trợ sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Các đường dây điện từ nhà máy Matebe tỏa đi cung cấp điện cho khắp vùng. Hy vọng nhà máy này sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm mới cho người dân địa phương.

Công nhân tích cực vận chuyển vật liệu xây dựng tại nhà máy Matebe. Nguồn vốn 20 triệu USD để xây dựng nhà máy được tài trợ bởi Howard G. Buffett và Liên minh châu Âu.

Trẻ em tại thị trấn Bugara hạnh phúc chơi đùa cùng nhau trên con phố lần đầu tiên có ánh điện soi sáng. Trước đây, phần lớn người dân Công-gô không có điện để dùng.

Các dự án điện - niềm hy vọng sống của loài Gorilla ở Virunga ảnh 6

Hình ảnh chụp lại buồng động cơ của nhà máy thủy điện Matebe

Các nhà đầu tư đã chi thêm 39 triệu USD để xây dựng thêm 2 nhà máy thủy điện nữa trong khu vực. Họ hy vọng tới năm 2025 sẽ xây dựng được 8 nhà máy với tổng chi phí dự kiến khoảng 200 triệu USD.

Những người công nhân đang đào và chuẩn bị các kênh rạch cho nhà máy Matebe

Dự án điện này bắt đầu được thực hiện 1 tháng sau khi quân chính phủ với sự hậu thuẫn của quân đội Liên Hiệp Quốc đã đánh bại quân nổi dậy của phong trào 23-3 (M23) – lực lượng đã nắm quyền kiểm soát khu vực này trước đó.

Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Công-gô, Joseph Kabila và nhà tài trợ chính Howard G. Buffett cắt băng khánh thành nhà máy.

Một nhà máy sản xuất xà phòng từ dầu cọ mới được xây dựng ở Mutsora và đã bắt đầu đi vào hoạt động nhờ đường dây điện mới.

Giám đốc Vườn quốc gia Virunga, ông Emmanuel De Merode

Giám đốc Vườn quốc gia Virunga, ông Emmanuel De Merode đã làm việc ở Công-gô từ năm 1992. Ông đã đặt ra mục tiêu là không chỉ bảo tồn động vật hoang dã mà còn phải chú trọng phát triển vườn quốc gia một cách bền vững và mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương.

Một báo cáo của Quỹ Động vật hoang dã thế giới ước tính, vườn quốc gia Virunga có thể thu về 1,1 tỷ USD mỗi năm, thông qua phát triển thủy điện và du lịch sinh thái.

Lực lượng kiểm lâm đang khảo sát một khu vực của vườn quốc gia đã bị tàn phá bởi hoạt động sản xuất than bất hợp pháp. Khu vực này trước đây là môi trường sống của loài Gorilla, nhưng do mức độ tàn phá quá nghiêm trọng, nó sẽ không bao giờ có thể khôi phục lại.

Việc buôn bán than củi là một trong những vấn nạn chính mà De Merode hy vọng sẽ ngăn chặn bằng cách phát triển thủy điện -  ngành công nghiệp hợp pháp mới có lợi cho người dân địa phương.

Các cán bộ kiểm lâm có trách nhiệm tuần tra ở vườn quốc gia và bảo vệ các loài động vật hoang dã. Do đó mà họ thường xuyên phải tiếp xúc với các nhóm người có trang bị vũ khí. Hàng trăm cán bộ kiểm lâm đã từng bị sát hại khi làm nhiệm vụ.

Global Witness đang kêu gọi một lệnh cấm khoan dầu trong khu vực vườn quốc gia.

Ngoài ra, Virunga cũng đang bị đe dọa bởi các hoạt động khoan thăm dò, khai thác dầu mỏ. Một công ty có tên gọi Soco của Anh đã từng lên kế hoạch thăm dò dầu trong hồ Edward. Mặc dù hoạt động trên của Soco gặp phải sự phản đối của người nên buộc phải dừng lại. Thế nhưng các tổ chức NGO như Global Witness lo sợ rằng Soco chỉ tạm thời hoãn lại, nên đang kêu gọi một lệnh cấm khoan dầu trong khu vực vườn quốc gia.

Nhờ những nỗ lực bảo tồn to lớn của Virunga, số lượng Gorilla núi tại vườn quốc gia đã tăng từ 254 cá thể trong những năm 1980 lên khoảng 480 cá thể trong thời điểm hiện tại. Mặc dù chúng vẫn đang nằm trong danh sách các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, thế nhưng đây vẫn là một dấu hiệu đáng mừng.