"Các địa phương cần có sự thông suốt, tránh phân mảnh, cắt khúc trong quy trình chống dịch"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị, để lưu thông hàng hóa được thuận lợi, các địa phương cần quy trình thông suốt, tránh sự phân mảnh, cắt khúc trong quy trình chống dịch.
Nhiều địa phương phòng dịch một cách cực đoan

Nhiều địa phương phòng dịch một cách cực đoan

Tham luận tại hội nghị Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tổ chức ngày 5-10, ông Trần Thanh Hải cho hay, ở giai đoạn đầu của dịch bệnh vào (cuối năm 2019, đầu năm 2020), bên cạnh vấn đề suy giảm tổng cầu, các doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề thiếu nguồn cung.

Nhiều ngành sản xuất của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử đã đối mặt với sự suy giảm mạnh nguồn cung nguyên liệu từ thị trường nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc.

Sau đó, doanh nghiệp phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về năng lực vận tải hàng hóa đẩy giá cước logistics tăng cao.

Theo ông Trần Thanh Hải, giá cước trung bình của một container cao gấp 4 lần so với 1 năm trước và cao gấp hơn 5 lần so với 2 năm trước. Bên cạnh việc giá cước tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, hiện tượng mất cân bằng vỏ container tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á là một nút thắt quan trọng với chuỗi cung ứng hàng hóa thương mại quốc tế, tác động mạnh đến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Đáng chú ý, vì dịch bệnh bùng phát, ở trong nước, nhiều địa phương đẩy mạnh áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông , chống dịch một cách cực đoan, thái quá. Từ đó, ảnh hưởng mạnh đến chuỗi cung ứng, chi phí cho doanh nghiệp tăng, áp lực tâm lý rất lớn cho tài xế lớn.

"Trong đợt dịch vừa qua, nhiều lao động sang chấn tâm lý khi thường xuyên phải xét nghiệm Covid-19. Tôi lấy ví dụ, hình ảnh một cabin xe tải có rất nhiều tem niêm phong. Tại sao vậy? Tại vì khi đi qua địa phận của một số địa phương là phải dán những tem như vậy và tài xế không được phép bóc tem ra”- ông Trần Thanh Hải nói.

Theo TS Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nếu như năm ngoái, Việt Nam được đánh giá là “ngôi sao sáng” khi tăng trưởng đến 2,9% trong khi cả thế giới tăng trưởng âm thì năm nay tổng thể đã có sự thay đổi. Quý III-2021, tăng trưởng cả nước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong các tháng gần dây, các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế đều xấu đi. Dịch Covid-19 đã đánh mạnh vào các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn của Việt Nam như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ… gây đứt gãy chuỗi cung ứng.

Để khôi phục sản xuất, thực hiện mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đã đề ra, các chuyên gia cho rằng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện nhanh chóng và kịp thời. Doanh nghiệp phải là chủ thể trong phòng chống dịch bệnh, vì họ biết làm thế nào để sản xuất, kinh doanh an toàn.

Về sự hỗ trợ của các địa phương, ông Trần Thanh Hải cho rằng: “Các địa phương cần quy trình thông suốt, tránh sự phân mảnh, cắt khúc trong quy trình chống dịch hiện nay, giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án phòng tránh, ứng phó với dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh, duy trì ổn định chuỗi cung ứng”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Bộ Công Thương cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa về mặt cơ chế trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của Bộ nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong nước và xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản của các địa phương trong vùng dịch”.