Các đại biểu Quốc hội trẻ em chất vấn về bạo lực học đường và tác hại thuốc lá

ANTD.VN - Trong khuôn khổ Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II, sáng 29-9, đã diễn ra Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về phòng chống bạo lực học đường và tác hại thuốc lá…
Quang cảnh phiên họp giả định Quốc hội trẻ em

Quang cảnh phiên họp giả định Quốc hội trẻ em

Sáng 29-9, tại hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội đã diễn ra Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024. Hội nghị do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các bộ, ban, ngành liên quan tổ chức.

Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” giả định Lê Gia Vinh phát biểu, điều hành phiên chất vấn
Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” giả định Lê Gia Vinh phát biểu, điều hành phiên chất vấn

Tại Phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trẻ em giả định đã tham gia phát biểu các ý kiến, nêu lên những mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em tại địa phương với 2 vấn đề “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”, làm rõ các vấn đề được “cử tri trẻ em” cả nước quan tâm.

Các ĐBQH trẻ em giả định đặt câu hỏi chất vấn

Các ĐBQH trẻ em giả định đặt câu hỏi chất vấn

Theo đó, phiên chất vấn đã có 268 đại biểu đăng ký chất vấn. Đã có 15 đại biểu thực hiện quyền chất vấn và tranh luận với các Bộ trưởng giả định.

Sau phần chất vấn của các đại ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã phát biểu, trao đổi với ĐBQH trẻ em về 2 chủ đề của phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, phần trả lời chất vấn ở phiên họp tuy nói là giả định nhưng vấn đề không giả định, đó là vấn đề có thật. “Chúng ta phải cùng nhau khẳng định một cách dứt khoát rằng, trường học hạnh phúc không thể có chỗ cho bạo lực, tệ nạn và những nguy cơ đối với học sinh" – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Còn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ, bà có cảm giác như đang tham gia một phiên chất vấn thực sự. Chủ đề của phiên chất vấn rất thiết thực với cả trẻ em hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Dự và phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã có sáng kiến tổ chức với các cơ quan tổ chức Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” với mong muốn thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội.

Qua đó, khơi dậy trong trẻ em khát vọng cống hiến, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi tri thức để trở thành công dân có trách nhiệm, vừa có đức vừa có tài, có ước mơ, hoài bão lập nghiệp trong tương lai và đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Sau phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ nhất năm 2023, một số kiến nghị của trẻ em đã được các bộ, ngành quan tâm tổ chức thực hiện, đây là điều rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều trăn trở khi trẻ em ở một số nơi vẫn còn gặp khó khăn trong tiếp cận những dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng; trẻ em bị bạo lực, bạo hành, xâm hại, tai nạn, thương tích còn xảy ra. Tình trạng bạo lực học đường, các loại thuốc lá thế hệ mới và các chất kích thích đang tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Theo Chủ tịch Quốc hội, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ hai đã lựa chọn 2 chủ đề là “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường” rất thiết thực, được dư luận xã hội quan tâm.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan rà soát để hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường; phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Ông cũng mong muốn các bậc phụ huynh học sinh cần quan tâm, lắng nghe, chia sẻ với trẻ em nhiều hơn nữa, để trẻ em thực sự hạnh phúc, an vui trong chính ngôi nhà của mình. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, chính các em cũng cần phải ý thức để tránh xa bạo lực và các tệ nạn xã hội.