“Các cụ hưu trí hỏi tôi nhiều lắm, sao tăng lương cơ sở 30% mà lương hưu chỉ tăng 15%”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ông Đặng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội chia sẻ với báo chí: “Các cụ hưu trí hỏi tôi nhiều lắm, vì sao tăng lương cơ sở 30% mà tăng lương hưu 15%?”.
Ông Đặng Thuần Phong trả lời báo chí về vấn đề cải cách tiền lương

Ông Đặng Thuần Phong trả lời báo chí về vấn đề cải cách tiền lương

Ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XV vào sáng nay, 29-6, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp. Tại đây, báo chí đề nghị làm rõ hơn lý do Quốc hội quyết nghị tăng lương cơ sở 30% từ 1-7-2025 nhưng lương hưu chỉ tăng 15%.

Trả lời, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong chia sẻ, bản thân ông cũng nhận được nhiều câu hỏi từ các cụ hưu trí về việc này.

Ông Phong cho biết, trước lần tăng lương này, Chính phủ đã có nhiều lần điều chỉnh lương hưu. Theo tính toán của Ban chỉ đạo cải cách tiền lương, với số tăng lương hưu cộng lại qua các đợt vừa qua thì ở lần tăng lương này, nếu chỉ tăng 11,5% cũng đã ngang bằng với mức tăng 30% lương cơ sở của cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đánh giá, đời sống của người cao tuổi sống bằng lương hưu hiện còn khó khăn nên đã cân nhắc để tăng mức 15% như trên.

Quang cảnh buổi họp báo

Quang cảnh buổi họp báo

Về tiến độ cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương, nhiều ý kiến băn khoăn về việc đã 3 lần lùi nhưng tới nay chưa hoàn thành nhiệm vụ đưa ra. Ông Phong cho biết, Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đã họp hơn 20 cuộc nhưng mới thực hiện được 4 nội dung, còn 2 nội dung chưa thực hiện được.

Cụ thể, về xác định lương từ vị trí việc làm, nội dung này chưa thực hiện được do còn có sự thiếu đồng bộ và thống nhất tương đối giữa các bộ ngành, địa phương với nhau. Lương của lực lượng vũ trang cũng có biến động nhất định. Ngoài ra, trong số đơn vị lực lượng công lập, số đơn vị tự chủ chi thường xuyên còn thấp. 70% đơn vị chưa tự chủ được hoàn toàn.

Vì vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội cho rằng, cần cho phép Chính phủ có thêm thời gian tính toán thật kỹ việc tinh giản biên chế, bố trí vị trí việc làm... Từ đó, mới thực hiện được đồng bộ cải cách tiền lương.

Để hoàn thiện chính sách cải cách tiền lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội cho rằng Chính phủ cần tiếp tục đánh giá hết sức cân nhắc, kỹ càng để khi triển khai đảm bảo tính khả thi, công bằng, đảm bảo nguồn lực triển khai.