Quy chế mới bóng đá chuyên nghiệp:

Các CLB phải có “sân sau”

ANTĐ - “Sân sau” ở đây là các trung tâm, học viện bóng đá trẻ ở mỗi CLB, mô hình mà theo ông Phạm Ngọc Viễn, sẽ quyết định không chỉ tương lai của CLB ấy, mà còn của bóng đá Việt Nam.

Calisto là một trong những HLV rất quan tâm đến công tác đào tạo trẻ

Hôm qua 26-4, VFF đã công bố bản Quy chế bóng đá chuyên nghiệp mới, với rất nhiều thay đổi đáng chú ý. Đây là điều rất được chờ đợi, bởi có quy chế mới, đồng nghĩa với việc bóng đá Việt Nam có điểm tựa mới để thoát khỏi sự ì ạch bấy lâu nay. Một trong những điểm nổi bật nhất của quy chế mới, chính là việc VFF yêu cầu các CLB tham gia V-League và hạng Nhất kể từ mùa giải 2014 phải có Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ, hoặc Học viện Bóng đá bao gồm các lứa tuổi từ U11 đến U19. Trên thực tế, quy chế từ năm 2001 của VFF đã đề cập đến vấn đề này, quy chế mới khác ở chỗ, không chỉ thử nghiệm cho có nữa, kể từ năm 2014, các CLB bắt buộc phải có “sân sau” nếu muốn đồng hành cùng bóng đá chuyên nghiệp. 

Những CLB tiên phong trong vấn đề này như HAGL hay SLNA đều đang gặt hái được những thành công nhất định từ nền móng vững chắc. Tuy vậy, không ít đội bóng đang mang tư tưởng “ăn xổi”, chỉ mạnh tiền mua cầu thủ và bỏ trống hoàn toàn mảng phát triển cầu thủ trẻ. “Tôi nghĩ nhiều CLB cần phải thay đổi quan điểm phát triển của mình. Việc bỏ tiền ra mua cầu thủ có thể dễ dàng mang đến thành công, nhưng khó bền vững. Các CLB cần phải có sân sau, có chỗ dựa để phát triển và tạo ra những tài năng. Đó là 1 phần quan trọng của bóng đá chuyên nghiệp và chúng ta làm muộn còn hơn không”, ông Phạm Ngọc Viễn nói.

Nếu như mô hình học viện bóng đá của HAGL đang chờ đến ngày hái quả, thì trong suốt thời gian qua, lò đào tạo cầu thủ trẻ của SLNA được coi như “mỏ vàng” cho các CLB tha hồ đào. “Cứ nhắc đến cầu thủ trẻ tốt, là người ta lại nhắc đến Sông Lam. Tôi nghĩ trong tương lai, điều này cần phải được cân bằng giữa các địa phương”, ông Viễn quả quyết. Điều này cũng bắt nguồn từ việc trong thời gian qua, chất lượng cầu thủ trẻ ở Việt Nam xuống cấp trông thấy. Hầu như không còn xuất hiện những cái tên nổi bật. Những tài năng trẻ có thể không hiếm, nhưng hầu hết không được sử dụng nhiều và không có chỗ để thể hiện. Do các CLB vì thành tích trước mắt nên dành hết vị trí cho ngoại binh hoặc các tuyển thủ quốc gia. Các HLV ngoại đến làm việc ở Việt Nam cũng phàn nàn nhiều về điều này và tìm cách cùng VFF khỏa lấp, nhưng đều chưa thành công. Chính vì vậy, trong quy chế mới, VFF cũng quy định rõ ràng, từ mùa giải 2013, các CLB tham dự V-League, hạng Nhất phải có tối thiểu 2 cầu thủ dưới 21 tuổi trong danh sách đăng ký trận đấu. 

Tuy nhiên, VFF có lẽ cần phải nâng mức phạt cho các CLB nếu không có hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ từ U11 đến U19 cao lên hơn nữa, vì khoản tiền 100-200 triệu như trong quy định xử phạt có lẽ chẳng thấm thía gì so với hầu bao của những ông “bầu” lắm tiền nhiều của. Và đã phát triển cầu thủ trẻ, thì cần phải đồng bộ từ con người, đến cơ sở vật chất, thể lực, trị liệu, tâm lý… Nếu không, vấn đề đào tạo trẻ vẫn cứ chỉ là cho có.