Ths. Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng viện Kiểm nghiệm thuốc Trung Ương:

Các chuyên gia y tế cũng khó phát hiện thuốc giả

ANTĐ - Thực tế hiện nay chúng ta không nắm được con số này bởi lực lượng chức năng của ngành Y tế chỉ có thể kiểm tra, kiểm soát những sản phẩm thuốc được bày bán công khai trên quầy tại các cơ sở kinh doanh thuốc trên thị trường. 

- Ông đánh giá như thế nào về thị trường tân dược giả hiện nay? 

- Thực tế hiện nay chúng ta không nắm được con số này bởi lực lượng chức năng của ngành Y tế chỉ có thể kiểm tra, kiểm soát những sản phẩm thuốc được bày bán công khai trên quầy tại các cơ sở kinh doanh thuốc trên thị trường. Còn thuốc giả được giấu ở ngoài phạm vi kinh doanh, hoặc cho vào tủ khóa lại thì quyền hạn của ngành Y tế không được phép kiểm tra. Thông thường thuốc giả tồn tại được là do giá cả rẻ hơn thuốc thật. Ngành Y tế đã tiến hành kiểm tra, phát hiện thuốc giả nhưng hoàn toàn do ngẫu nhiên. Một khía cạnh khác đó là trình độ in ấn, thiết bị làm thuốc giả vô cùng tinh vi, cảm quan bằng mắt thường thì thuốc giả và thuốc thật khó có thể thể phân biệt được. Mỗi năm ngành Y tế lấy trên thị trường khoảng 30.000 mẫu thuốc trên toàn quốc thì phát hiện khoảng 0,1% mẫu thuốc giả. 

- Nhiều người khá mơ hồ về sự khác nhau giữa thuốc giả và thuốc kém chất lượng, ông phân tích thế nào?

- Thuốc giả có những điểm tương đồng với thuốc kém chất lượng, nhưng quan trọng nhất là thuốc giả được làm ra với mục đích, ý đồ lừa đảo. Còn với thuốc được sản xuất theo tiêu chuẩn nhưng khi ra thị trường bị tác động bởi điều kiện môi trường, tiêu chuẩn bảo quản sẽ bị biến đổi hàm lượng, giảm tuổi thọ thuốc, có những sản phẩm thuốc bị giảm hàm lượng không còn gì cả… thì kết luận là thuốc kém chất lượng chứ không phải là thuốc giả. Sau khi phân loại thuốc có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng, thuốc không đạt chất lượng sẽ bị thu hồi và xử phạt hành chính bởi không phải lỗi cố ý. Thuốc không đạt chất lượng chiếm khoảng 3% trong tổng số khoảng 30.000 mẫu thuốc. Còn đối với trường hợp phát hiện ra thuốc giả Bộ Y tế sẽ thông báo sang lực lượng Công an để điều tra và xử lý hình sự.   

- Ông cho biết có nhiều kiểu làm thuốc giả không?  

- Có rất nhiều kiểu làm thuốc giả hiện nay, ngoài việc làm giả hoàn toàn không có hoạt chất, thì có những trường hợp các loại thuốc tân dược được làm giả nhưng có hoạt chất là thuốc được trộn tá dược, hoặc đóng nang thì khả năng hấp thu, dược lý thấp dẫn đến việc sử dụng thuốc không đạt kết quả điều trị như mong muốn. Một kiểu làm giả khác theo cách lấy thuốc của công ty trong nước nhưng lại dán mác của thuốc ngoại, làm giả về kiểu dáng công nghiệp… Còn một bộ phận thuốc giả được truyền miệng, quảng cáo rao bán qua mạng là “hàng xách tay” rẻ hơn rất nhiều so với giá thuốc chính hãng. 

- Nguồn thuốc giả được sản xuất chính từ đâu, thưa ông?

- Thuốc giả hiện nay sản xuất ở cả trong nước lẫn “xách” từ nước ngoài về, tập trung ở thị trường Trung Quốc, Campuchia… qua đường biên, tiểu ngạch. Thuốc là mặt hàng gọn nhẹ, nếu vận chuyển 1 thùng hàng tiêu dùng giá trị không được bao nhiêu nhưng nếu vận chuyển trót lọt 1 thùng thuốc giả có giá trị rất cao. Nhiều đối tượng trong nước mua máy dập viên, máy đóng nang, ép vỉ với công suất nhỏ, giá thành rẻ về tự sản xuất thuốc giả. Theo đánh giá thuốc ngoại được làm giả nhiều hơn bởi sự uy tín, giá trị cao, dễ bán và điểm chính là ở đâu cũng bán nên được các đối tượng nhắm vào. Thực tế ngay ở các nước phát triển vẫn tồn tại nạn thuốc giả, được bán chủ yếu qua mạng Internet.

- Sử dụng thuốc giả nguy hiểm với người bệnh ra sao? 

- Một trong những định nghĩa thuốc giả là có những thành phần trong thuốc không được công bố, theo đó thuốc giả gây nguy hiểm tập trung chính ở thuốc đông dược. Rất nhiều các ông lang, bà lang, các đối tượng làm giả thuốc đông dược trộn thêm các thuốc tân dược vào. Người bệnh sau khi uống vào thấy biểu hiện của bệnh thuyên giảm ngay, trong tiềm thức lại nghĩ thuốc Đông y có nguồn gốc tự nhiên không gây hại nên tiếp tục uống trong thời gian dài. Người bị bệnh lại có tâm lý Đông Tây y kết hợp nên lại tiếp tục uống thêm thuốc tân dược, mà thực tế theo nguyên tắc thuốc tân dược là có độc tố, khi uống vào hấp thu - chuyển hóa - thải trừ nên chỉ dùng trong thời gian ngắn để thải chất độc ra sau đó mới uống tiếp. Thế nhưng không ít người dân uống phải thuốc đông dược có trộn tân dược mà không biết đã gây tích tụ độc tố quá nhiều trong cơ thể dẫn đến những trường hợp ảnh hưởng đến tính mạng, hoặc có thể bị suy thận, giòn xương, xốp xương… Những loại được làm giả tập trung ở những loại thuốc chữa viêm khớp, gút, thuốc điều trị còi xương suy dinh dưỡng trẻ em, kích thích ăn ngủ ở trẻ, chống đái tháo đường, hạ nhiệt giảm đau…   

- Ông có khuyến cáo gì với người dùng để tránh sử dụng phải thuốc giả khi thật - giả đang lẫn lộn như hiện nay? 

- Đối với các mặt hàng tiêu dùng ngoài thị trường người dân đều có những hiểu biết nhất định, tuy nhiên với thuốc là không thể bởi đến các chuyên gia trong lĩnh vực y - dược cũng rất khó phát hiện mà phải sử dụng đến các kết quả phân tích. Trong khi đó 10 người dân thì có đến 9 người tự là bác sĩ cho chính mình và người thân, bạn bè. Một là tự mua thuốc về điều trị, hai là ra quầy thuốc nói triệu chứng và hỏi nên-phải-sẽ uống cái gì? WHO khuyến cáo không bao giờ mua thuốc qua mạng Internet. Người dân muốn tránh dùng phải thuốc giả phải tuân thủ nguyên tắc có bệnh phải đi khám, dùng thuốc phải theo đơn kê của bác sĩ, mua thuốc tại các cơ sở y tế có điều kiện hành nghề hợp pháp, uy tín, tuyệt đối không được dùng thuốc dưới dạng truyền miệng nhau.  

- Cảm ơn ông!