Các bức chân dung "kỳ nhân tiền cổ Hà thành" tiết lộ cuộc sống chật vật của Bùi Xuân Phái

ANTD.VN - Những bức chân dung vẽ ông Nguyễn Bá Đạm đã hé lộ cuộc sống chật vật của danh họa Bùi Xuân Phái một thời. Các bức ký họa ông Đạm trên bao diêm hay những bức chân dung bé bằng lòng bàn tay cũng chỉ vì, ông Phái nghèo, gia đình lại đông con...

 

 

Ông Nguyễn Bá Đạm (97 tuổi), hình mẫu trong các tác phẩm ký họa chân dung do họa sỹ Bùi Xuân Phái thể hiện, đã chống gậy tới xem lại hình ảnh của chính mình năm xưa qua nét vẽ bạn thân. Các tác phẩm hiện đang được trưng bày tại triển lãm "Phái vẽ Đạm", số 63 Hàm Long, Hà Nội. 

60 bức tranh thể hiện các sắc thái trong đời thường của ông Đạm qua con mắt Bùi Xuân Phái. Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhận xét: "Trong các bức ký họa, ông Đạm được mô tả là người nghiêm trang, hơi hài hước, mũi gồ khoằm, mặt vuông vức, thẳng thắn, đôi khi khắc nghiệt nhưng cẩn trọng với bè bạn".

Họa sĩ Bùi Xuân Phái (trái) và nhà giáo Nguyễn Bá Đạm

Năm nay đã 97 tuổi, ông Nguyễn Bá Đạm vẫn minh mẫn và được mệnh danh là "kỳ nhân tiền cổ Hà thành". Ông cho biết, trong cuộc đời này, ông đã rất may mắn vì được làm bạn và trở nên thân thiết với rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà sưu tập Đức Minh...

Trong các văn nghệ sỹ ấy, ông thân hơn với Bùi Xuân Phái. Cả hai đã quen nhau qua sự giới thiệu của một người bạn và dần thân thiết vì chung sở thích về mỹ thuật, văn chương. Cả hai thường xuyên đến nhà nhau chơi, có tuần gặp bốn đến năm buổi. Bùi Xuân Phái thường vẽ chân dung tặng ông trong những cuộc hàn huyên như vậy. Khi đi xa, họ trao đổi thư từ, tâm sự mọi chuyện từ sách vở, mỹ thuật đến khó khăn trong đời sống.

Về lý do ông trở thành hình mẫu trong các tác phẩm của Bùi Xuân Phái và nhiều họa sỹ khác, ông Nguyễn Bá Đạm cho rằng, có thể vì mối thân tình giữa ông và các nghệ sỹ. Còn bà Nguyễn Thị Sính, vợ cố họa sỹ Bùi Xuân Phái lý giải, vì lúc trẻ, ông Đạm có dáng hình của một người mẫu và gương mặt có nét đặc biệt.

Chân dung ông Đạm do Bùi Xuân Phái thể hiện

Dù lý do gì đi chăng nữa, việc ông Đạm trở thành người mẫu cho Bùi Xuân Phái vẽ ký họa cũng đã làm nên những bức chân dung ghi dấu ấn của Hà Nội một thời đã qua, về cái tình giữa những người bạn tri kỷ.

Điều đó được thể hiện bằng kích thước các bức tranh của Bùi Xuân Phái vẽ ông Đạm thường nhỏ. Và chất liệu chỉ có chì, sang lắm là sơn dầu. Thời đó, danh họa sống khá chật vật. Gia đình ông đông con (5 người con), bị thôi việc sớm, chính vì thế mà điều kiện sáng tác của Bùi Xuân Phái thu hẹp trong các bức họa nhỏ, với phương tiện ít ỏi, cũng như kiếm tiền vặt bằng vẽ minh họa báo chí, phục trang sân khấu, thậm chí đi làm thợ mộc. 

 Nhà thơ Bằng Việt nhận xét, có thể công chúng chưa biết nhiều về ông Nguyễn Bá Đạm. Nhưng ai biết ông đều rất ấn tượng về một tâm hồn Hà Nội thâm trầm, sâu sắc, với lối sống giản dị, nề nếp, lại không kém phần tao nhã, thanh lịch trong thú đam mê sưu tầm đồ cổ và giao du đầy trọng thị với các danh sỹ Hà Nội.

Tâm hồn Hà Nội ấy luôn trân trọng tới từng nét văn hóa của Thủ đô, lặng thầm viết ra những cuốn sách không to lớn, đồ sộ nhưng sử dụng nhiều ký ức, trải nghiệm của bản thân, để rồi với thời gian, sẽ thành ký ức của cả cộng đồng.  

Nhà sưu tập tranh Thái Lan Tira Vanictheeranont, người sở hữu các tác phẩm ký họa ông Phái vẽ ông Đạm tiết lộ thông tin, nghe danh Bùi Xuân Phái đã lâu nên ông đã quyết định đổi bộ sưu tập đồ cổ lấy các bức tranh này. 

Ông Nguyễn Bá Đạm chống gậy tới xem triển lãm và chụp ảnh lưu niệm với vợ của cố họa sỹ Bùi Xuân Phái, bà Nguyễn Thị Sính

"Những bức ký họa không thể hiện được nhiều về tài nghệ thuật nhưng giàu ý nghĩa cá nhân. Qua những bức vẽ, tôi thấy hai người có tình bạn bền chặt qua năm tháng, đồng hành trong những giai đoạn quan trọng của cuộc đời và sự nghiệp của Bùi Xuân Phái", nhà sưu tập tranh Tira Vanictheeranont nói. 

Tại triển lãm "Phái vẽ Đạm" không chỉ có những bức họa vẽ ông Đạm, mà còn một số vẽ chân dung bè bạn khác của Phái và minh họa báo chí. Những nét vẽ của danh họa có lẽ không bao giờ cũ. Chúng vẫn hiển hiện sinh động về cuộc sống và con người Hà Nội. Họ thuộc về thời chiến tranh và bao cấp nhọc nhằn, với những khuôn mặt khắc khổ, chịu đựng và giữ sự tự trọng riêng.