Các Bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ nhiều điều kiện kinh doanh nhất

ANTD.VN - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) rà soát điều kiện kinh doanh tại 3 Bộ điển hình là: Công Thương, Giao thông vận tải (GTVT), Khoa học và công nghệ (KHCN).

Điều kiện kinh doanh làm khó cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (ảnh: internet)

Sáng nay (30-6), VCCI công bố báo cáo rà roát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam.

Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, ngoài những ngành nghề chung, báo cáo còn rà soát điều kiện kinh doanh tại 3 Bộ điển hình là: Công Thương, GTVT và KHCN.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, vì liên quan nhiều đến doanh nghiệp nên Bộ Công Thương đang ở "top đầu" về điều kiện kinh doanh; Bộ GTVT do liên quan đến các quy định về an toàn nên cũng quy định rất nhiều điều kiện. Và Bộ KHCN hoạt động mang tính đặc thù nên cũng đặt ra điều kiện kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng- Ban Pháp chế (VVCI) cho hay, qua rà soát 14 ngành nghề với 402 điều kiện kinh doanh, nhóm nghiên cứu thấy điều kiện kinh doanh có 3 đặc điểm nổi bật, là: điều kiện kinh doanh có tính chất áp đặt quy mô doanh nghiệp, chủ yếu tập trung ở Bộ Công Thương và Bộ GTVT như: yêu cầu chủ thể kinh doanh phải có tối thiểu cơ sở vật chát nào đó.

Ví dụ là đơn vị vận tải taxi phải có tối thiểu 50 xe taxe nếu trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc trung ương; thương nhân xuất nhập khẩu LPG (khí hóa lỏng) phải có kho tổng dung tích bồn chứa tối thiểu 3.000m3;

Hoặc yêu câu tổ chức bộ máy phải có bộ phận nhất định. Chẳng hạn như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đại lý tàu biển , vận tải biển, lai dắt tàu biển phải có người phụ trách chuyên môn về pháp chế, khai thác kinh doanh...

Điều kiện kinh doanh dạng này còn yêu cầu thương nhân phải có số vốn tối thiểu. Ví dụ, thương nhân bán buôn rượu phải có số vốn tối thiểu 300 triệu đồng.

Đặc điểm thứ hai là điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp và quyền tự quyết của doanh nghiệp. Điển hình là quy định phương án kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Ba là điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp hành chính như yêu cầu đại lý, cửa hàng bán lẻ mũ bảo hiểm phải có địa chỉ cụ thể, rõ ràng...

Bên cạnh các đặc điểm nêu trên, hiện nay nhiều điều kiện kinh doanh còn mang "dấu ấn" của các Bộ quản lý. Trong 5 ngành nghề được rà soát, Bộ KHCN có xu hướng yêu cầu kinh nghiệm của các nhân sự trong các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

"Đây là yêu cầu không hợp lý. Bộ KHCN đòi hỏi điều kiện chuyên môn là là hợ lý, nhưng bên cạnh việc yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ... Bộ KHCN còn hướng đến kinh nghiệm làm việc. Trong nhiều trường hợp, kinh nghiệm làm việc không phản ánh được trình độ của một cá nhân nào đó"- đại diện VCCI cho biết. 

Một ví dụ khác về dấu ấn của các Bộ là yêu cầu về quy mô kinh doanh nghiệp hoặc buộc doanh nghiệp phải đi theo hình thức kinh doanh cứng nhắc. Có thể thấy điều này ở điều kiện kinh doanh khí, rượu, xuất khẩu gạo...

Với những đặc điểm của điều kiện kinh doanh nêu trên,  các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn tham gia thị trường của các ngành, nghề trên rất khó khăn. 

"Mặc dù ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không dành cho số đông, vì Nhà nước cần kiểm soát rủi ro từ các hoạt động kinh doanh ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, nhưng những điều kiện kinh doanh có tính chất áp đặt như trên lại không hướng đến bảo vệ trật tự công nào.

Thực tế cho thấy, nhiều điều kiện kinh doanh đã "giết chết" không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa và biến thị trường thành sân chơi của một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, tiêu biểu là thị trường xuất khẩu gạo và phân phối khí"- bà Nguyễn Thị Diệu Hồng nói.