Các bị cáo trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang khai báo như thế nào?

ANTD.VN - Ngày 14-10, TAND tỉnh Hà Giang đã mở lại phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ gian lận thi cử trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Đáng chú ý, dù được khai mở lần thứ hai nhưng hơn 100 người vẫn không có mặt tại phiên tòa.

Tại phần thủ tục phiên tòa, kết quả kiểm tra căn cước cho thấy, có tới 101/178 người được triệu tập vắng mặt. Trong đó, 82 người có đơn xin xét xử vắng mặt và 19 người vắng không lý do.

Trong số những người bị triệu tập, bà Vũ Thị Kim Chung (Hiệu trưởng Trường chuyên Hà Giang) và bà Tống Thị Phương (cô ruột bị cáo Vũ Trọng Lương) - 2 người được đại diện VKS đề nghị triệu tập tại phiên tòa lần trước (18-9-2019) có mặt tại tòa. Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi vắng mặt.

Cùng được triệu tập tới phiên tòa nhưng bà Triệu Thị Giang, Phó phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang) và bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang có đơn xin vắng mặt.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài - nguyên Trưởng phòng Khảo thí (Sở GD&ĐT Hà Giang) bị dẫn giải tới phiên tòa.

Bà Giang là em gái ông Triệu Tài Vinh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Ngày 1-10, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với bà Giang do có hành vi nhờ người khác tác động để cháu ruột (con gái của ông Vinh) được nâng điểm.

Mặc dù hơn 100 người vắng mặt tại phiên tòa nhưng đại diện VKS tỉnh Hà Giang vẫn đề nghị HĐXX tiếp tục phiên xét xử. Và sau khi hội ý, chủ tọa phiên tòa cho rằng sự vắng mặt của những người làm chứng không ảnh hưởng đến phiên tòa nên quyết định xét xử.

Tại phiên tòa, Nguyễn Thanh Hoài – nguyên Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT và Vũ Trọng Lương – nguyên Phó trưởng phòng Khảo thí bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 - Bộ luật Hình sự.

Hai bị cáo Phạm Văn Khuông – nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT và Lê Thị Dung – nguyên Phó đội trưởng, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang bị truy tố tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, quy định tại Điều 366 - Bộ luật Hình sự.

Riêng bị cáo Triệu Thị Chính – nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, quy định tại Điều 358 - Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Vũ Trọng Lương - nguyên Phó trưởng Phòng khảo thí (Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang).

Theo cáo trạng truy tố các bị cáo, trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, Nguyễn Thanh Hoài đã bàn bạc và thống nhất với Vũ Trọng Lương việc sửa bài thi, nâng điểm cho các thí sinh.

Thực hiện tội phạm, bị cáo Lương đã tác động vào bài làm của 107 thí sinh với 309 bài thi được nâng điểm. Riêng bị cáo Triệu Thị Chính bị cáo buộc không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Phó giám đốc Sở GD-ĐT đã chuyển danh sách 13 thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài nhờ nâng và xem điểm thi.

Khai báo tại phiên tòa, Vũ Trọng Lương trình bày, đầu tháng 5-2018, Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng phòng Khảo thí) gọi bị cáo này sang phòng làm việc và thông báo trong kỳ thi tới cần xử lý nâng điểm cho một số trường hợp đặc biệt.

Biết phần mềm chấm thi của Bộ GD&ĐT chỉ yêu cầu file Excel nên Lương lập tức đồng ý. Đầu tháng 6-2018, Nguyễn Thanh Hoài lần đầu tiên đưa danh sách các thí sinh cần sửa điểm ghi trên tờ giấy A4 cho Lương. 2 lần sau đó, Hoài tiếp tục gửi danh sách thí sinh cho cấp dưới qua tin nhắn và email.

Ngày 27-6-2018, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án, Lương tải các đáp án về máy tính để chuyển sang file Excel nhằm thực hiện việc sửa, nâng điểm. Sáng 7-7-2018, sau khi nhận chìa khóa phòng chứa bài thi từ tay bị cáo Hoài, Lương thuê xe ô tô tải đến nơi chứa bài thi rồi nhờ 3 cán bộ công an đang canh giữ ở đó bê hòm chứa bài thi ra xe.

Bị cáo Lương khai trong mỗi danh sách, Nguyễn Thanh Hoài đã tự ghi sẵn họ tên, số CMND, hộ khẩu, bản đăng ký dự thi và điểm thi của các thí sinh. Lương đã 3 lần nhận của cấp trên danh sách tổng số 93 thí sinh.

"Nguyễn Thanh Hoài có thỏa thuận gì về điều kiện nâng điểm không"? Trả lời chủ tọa, cựu Phó phòng Khảo thí quả quyết bị cáo Hoài không thỏa thuận hay hứa hẹn gì về lợi ích vật chất. Lương cũng không yêu cầu hay đưa ra điều kiện gì trước khi nâng điểm.

“Bị cáo là cấp dưới, anh Hoài bảo bị cáo làm nên bị cáo đồng ý, tự nguyện làm”, Vũ Trọng Lương trình bày. Tiếp tục trả lời thẩm vấn, bị cáo Lương khai ngoài danh sách Nguyễn Thanh Hoài đưa, bản thân Lương còn được bạn bè, người quen nhờ nâng điểm cho 14 thí sinh.

Chiều cùng ngày, nguyên Phó phòng Khảo thí (Sở GD&ĐT Hà Giang) Vũ Trọng Lương tiếp tục phần trả lời thẩm vấn đối với đại diện VKS và các luật sư về hành vi can thiệp sửa điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2018 cho 107 thí sinh.

Bị cáo Lương tái khẳng định bản thân nâng điểm cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp là vì tình cảm. Số người còn lại do bị cáo Nguyễn Thanh Hoài "bảo bị cáo nâng điểm nên bị cáo làm".

"Nếu anh Hoài không phải trưởng phòng thì bị cáo sẽ không làm việc đó", Vũ Trọng Lương phân trần và nói bản thân rất ân hận vì đã không ý thức, tự chủ được việc làm sai khi nghe cấp trên nhờ sửa điểm thi.

Nối tiếp bị cáo Lương, Nguyễn Thanh Hoài - nguyên Trưởng phòng Khảo (Sở GD&ĐT Hà Giang) cũng bước đầu trả lời các câu hỏi bị thẩm vấn. Bị cáo này bị cáo buộc đã bàn bạc, thống nhất với Vũ Trọng Lương để nâng điểm thi trắc nghiệm cho các thí sinh.

Khai tại tòa, bị cáo sinh năm 1969 thừa nhận ông ta là người đã đánh dấu danh sách thí sinh rồi chuyển cho Vũ Trọng Lương 3 lần để cấp dưới thao tác trên máy tính, sửa điểm thi. "Ngoài ra, tôi nhận danh sách của bị cáo Triệu Thị Chính đề nghị nâng điểm cho 12 thí sinh và xem điểm cho một thí sinh", bị cáo Hoài khai.

Ngày mai (15-10), phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang tiếp diễn.