Trung Quốc:

Cả trường mầm non cùng uống thuốc lạ: Kiểu xâm hại tinh vi

ANTĐ - Trung tuần tháng 3-2014,  dư luận Trung Quốc chấn động bởi loạt thông tin: nhiều trường mẫu giáo đã bị phát hiện ép trẻ uống thuốc kháng virus mà phụ huynh không hề được biết. Hơn 2.000 trẻ theo học tại các trường này đã phải theo dõi y tế, sau khi một số báo cáo nêu ra tác dụng phụ của thuốc là chán ăn, chóng mặt, đau bụng, đau chân, đổ mồ hôi, táo bón....

Phụ huynh phẫn nộ trước tin trường mẫu giáo Phong Vận 
dùng thuốc trái phép cho trẻ

Phát hoảng vì con bị uống thuốc lạ

Ngày 12-3, báo chí Trung Quốc đưa tin, trường mẫu giáo tư nhân Phong Vận Lam Loan ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, đã bị đóng cửa và 3 người phụ trách bị điều tra do ép trẻ uống một loại thuốc kháng sinh chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ. Vụ việc được phát hiện từ ngày 10-3 khi có người viết trên blog cho biết trường mẫu giáo Phong Vận cho gần 400 em trên tổng số 690 học sinh sử dụng thuốc moroxydine ABOB (ABOB) - loại thuốc điều trị các bệnh lây nhiễm như cảm cúm, quai bị, thủy đậu,… mà không thông báo với phụ huynh. Đến ngày 11-3, hàng trăm phụ huynh phẫn nộ bao vây cổng trường mẫu giáo Phong Vận Lam Loan, khiến cảnh sát phải đến để lập lại trật tự. Hiện, Hiệu trưởng của trường Phong Vận Lam Loan - Triệu Bảo Anh đã thừa nhận, không thông báo tới cơ quan quản lý cấp trên, cũng không thông báo cho phụ huynh về việc ép trẻ uống thuốc. 

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, từ tháng 11-2008 đến tháng 10-2013 trường mẫu giáo Phong Vận đã mạo nhận tên của một số tổ chức y tế để mua 10 đợt thuốc ABOB với tổng số  54.600 viên từ 4 doanh nghiệp dược phẩm. Liều lượng uống ABOB cho mỗi học sinh ở lớp nhỏ tuổi được trường Phong Vận áp dụng là nửa hoặc 1 viên, mỗi ngày 1 lần, uống liền 2 ngày. Tại lớp lớn tuổi hơn, mỗi lần 1 viên, uống liên tiếp 3 ngày. Trường Phong Vận thường cho trẻ uống thuốc vào 10h sáng, cũng có thời gian tăng số lần dùng thuốc cho trẻ, thuốc được dùng chủ yếu vào thời điểm giao mùa xuân thu. Hiện cảnh sát địa phương đã thu giữ được các bằng chứng như sổ ghi chép thời gian lĩnh thuốc, lịch uống thuốc,... và đang điều tra nguồn gốc của các lô thuốc.

Giải thích cho hành vi sử dụng thuốc trái phép, Hiệu trưởng trường Phong Vận lấp liếm rằng để phòng cúm cho trẻ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hầu Vỹ chuyên khoa nhi làm việc tại bệnh viện địa phương, thuốc ABOB chỉ dùng chữa trị, không sử dụng phòng bệnh. Nguyên nhân ép trẻ uống thuốc được các phụ huynh cho là do phía nhà trường muốn tăng tỷ lệ chuyên cần của trẻ, nếu trẻ nghỉ ốm, trường sẽ bị thiệt hại. Theo phụ huynh họ Trình, học sinh nghỉ ốm 3 ngày, trường sẽ trả lại tiền học một tuần, trẻ nghỉ hơn 10 ngày sẽ được trả lại học phí cả tháng. Phụ huynh này cũng cho biết, thuốc ABOB giá rất rẻ, chỉ 1,5 NDT mua được 100 viên.

Hiệu ứng domino

Ngày 13-3,  cũng tại thành phố Tây An, nhân viên y tế và phó hiệu trưởng của trường mẫu giáo tư nhân Hồng Cơ Tân Thành - nơi có hơn 700 trẻ đang theo học - cũng bị bắt giữ do nghi ngờ ép học sinh uống thuốc trái phép. Hiện Sở Y tế thành phố Tây An đã tổ chức các buổi kiểm tra sức khỏe cho học sinh theo học tại 2 trường mẫu giáo trên. 

Ngày 14-3, một số phụ huynh phản ánh, trường mẫu giáo Phương Lâm ở quận Cao Tân, tỉnh Cát Lâm, cho học sinh uống một loại thuốc không rõ ràng. Ông Lý - bố của một học sinh tại trường mẫu giáo này cho biết, con ông kể lại khi đi học được cô giáo cho uống một viên thuốc màu trắng. Một phụ huynh khác cũng nghe con mình nói được uống một “hạt đậu thông minh” mỗi lần đến lớp. Theo điều tra ban đầu, ngôi trường này bị nghi ngờ sử dụng thuốc ABOB.

Trường mẫu giáo Hinh Cảng với 209 học sinh, ở quận Di Lăng, thành phố Nghi Xương, Hồ Bắc cũng phút chốc trở nên “nổi tiếng” khi bị nghi ép học sinh uống thuốc ức chế virus. Ngày 15-3, trường Hinh Cảng đã chủ động tổ chức một cuộc họp để giải thích tình hình. Nhà trường cho rằng do mùa xuân là thời điểm dịch bệnh bùng phát nên đã mua vitamin C và thuốc bột có thành phần isatis tinctoria  - một loại thảo dược có tác dụng kháng khuẩn rộng - cho học sinh uống miễn phí để tăng cường khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng giải thích của nhà trường không trùng khớp với lời kể từ con cái họ. 

Dư luận Trung Quốc chưa kịp “nguội” trước thông tin ép trẻ uống thuốc kháng virus của 4 trường mẫu giáo trên, lại tiếp tục chấn động khi cơ quan chức năng tỉnh Hồ Bắc ngày 20-3 cho biết đang điều tra thêm hai trường mẫu giáo khác tại tỉnh này có hành vi tương tự. 

Khủng hoảng niềm tin

Công tác quản lý giáo dục mầm non tại Trung Quốc bị buông lỏng nhiều năm, lại “bồi” thêm vụ ép uống thuốc trái phép khiến báo chí nước này gọi đây là “cuộc khủng hoảng niềm tin đối với các cơ sở giáo dục mầm non”. Việc trẻ bị ép uống thuốc trái phép tới 5 năm mà gia đình trẻ không hay biết, khiến không ít phụ huynh Trung Quốc đặt câu hỏi về phương pháp giáo dục mầm non đang được thực hiện tại đất nước này. Bình thường, những đứa trẻ từ 5 tuổi trở lên đã có đầy đủ khả năng kể rõ với cha mẹ hoạt động diễn ra trong một ngày lên lớp, trong khi  rất ít trường hợp trẻ bị lạm dụng hoặc bị ngược đãi chủ động kể lại với cha mẹ ngay lần đầu xảy ra sự việc. Theo ông Năng Bính Kỳ - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21, giáo dục trẻ cách tự bảo vệ bản thân đang bị xem nhẹ. Câu dạy bảo được đa số phụ huynh nói với con em là “đến trường phải nghe lời thầy cô giáo”, chứ không phải là phản ứng như thế nào nếu bị xâm hại. Theo ông Kỳ, cho dù trẻ còn nhỏ tuổi chưa hiểu biết nhiều, nhưng dạy trẻ cách tự bảo vệ bản thân và kể lại những sự việc xảy ra đối với trẻ, là điều có thể làm được.