Cả tin, ăn nhầm “bánh vẽ”

ANTĐ - Lợi dụng tâm lý muốn thành người nổi tiếng nhanh chóng và sự khó khăn trong tìm kiếm việc làm của giới trẻ, không ít cá nhân đã đăng tin quảng cáo “tuyển diễn viên, người mẫu” hay “tìm kiếm tài năng thiết kế trẻ” với mục đích vụ lợi, bóc lột công sức, tiền bạc của những người cả tin.

Vỡ mộng giấc mơ nổi tiếng

Gọi điện đến Đường dây nóng Báo An ninh Thủ đô,  chị V.T.O (ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) phản ánh, sau khi tốt nghiệp THPT, do lực học trung bình nên chị O không thi đại học mà ở nhà bán hàng, phụ giúp gia đình. Tình cờ chị O được biết thông tin một công ty đăng tuyển diễn viên với các điều kiện khá đơn giản: “Nữ cao từ 1m55 trở lên, ngoại hình ưa nhìn, đã tốt nghiệp THPT”. Không chỉ có vậy, chị O còn bị thu hút bởi những lời quảng cáo hấp dẫn: “Chỉ sau khoảng vài tháng sẽ được đóng vai chính trong phim truyền hình dài tập với cát-xê hậu hĩnh”. Vốn ôm mộng trở thành “người nổi tiếng” đã lâu nên chị O đã quyết định mang toàn bộ số tiền tích cóp được để lên Thủ đô. 

Khi vừa tới nơi, như nhiều cô gái khác, chị O phải đóng 1 triệu đồng gọi là “tiền nhập học” rồi được đưa về ở tập trung trong một ngôi nhà với diện tích chật chội và phải tự thanh toán chi phí ăn ở, đi lại. Nửa tháng đầu, chị O và các bạn được tham gia “học diễn xuất” với thời gian 3 buổi/tuần, mỗi tuần 2 tiếng. Vào các buổi tối, chị O và một vài “gương mặt khả ái” được đưa đến các quán bar để làm quen với…các diễn viên đã thành danh và “không khí, ánh sáng sân khấu”. Sau 2 tháng, thấy mình không được nhận vai diễn, chị O thắc mắc với người quản lý thì nhận được câu trả lời: “Quá trình đào tạo diễn viên phải mất nhiều thời gian và tiền bạc. Ai muốn nhanh nổi tiếng thì nộp thêm tiền để lăng xê”. “Điều đáng nói là tất cả các khoản thu đều không có hóa đơn, do vậy, người nào tự ý bỏ cuộc thì bị coi là “đơn phương chấm dứt hợp đồng”. “Bản thân em phải ở lại Hà Nội kiếm việc làm vì tiền mang theo đã hết, chẳng lẽ lại về quê ăn bám bố mẹ” - chị O thở dài.

Cũng trong tình trạng tương tự, cách đây không lâu, nữ sinh viên tên Dương Thị H (ở phố Đê La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) đã bị lừa lấy mất chiếc xe máy khi đi thi tuyển làm người mẫu ảnh. Trước đó, H quen biết 1 nam thanh niên tên là Hùng tại cổng Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sau khi quen biết, H được Hùng hứa giới thiệu làm người mẫu chụp ảnh du lịch. Do rất thích công việc này nên H đã không ngần ngại gật đầu khi Hùng đặt lịch hẹn ngày ký hợp đồng tuyển dụng tại Công ty. Tới ngày hẹn, Hùng không đi xe máy mà đứng ở đường Đào Tấn đợi H qua đón. Khi đi xe máy SH đến, H đưa xe cho Hùng chở vào khách sạn – nơi diễn ra cuộc phỏng vấn. Chở H đến sảnh khách sạn, Hùng bảo H xuống xe để đi gửi, nhưng phóng xe đi mất hút.

Bị bóc lột trong các cuộc thi thiết kế

Theo anh Lê Đình Hưng, cựu sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật - Công nghiệp, hiện nay có một số cuộc thi thiết kế được tổ chức chỉ nhằm mục đích lợi dụng, bóc lột sức lao động của các cá nhân tham gia. Đó là những cuộc thi sáng tạo các nội dung tiếp thị hoặc quảng cáo cho các thương hiệu lớn. Khi tham gia, người dự thi bị lóa mắt bởi những lời hứa hẹn về giải thưởng hoành tráng và khoản tiền thưởng…trong mơ. Để đạt được giải thưởng, người tham gia phải đầu tư không ít thời gian, công sức, thậm chí cả tiền bạc để tạo ra các tác phẩm. Tuy vậy, hầu hết đều ra về tay không, thậm chí, các tác phẩm dự thi còn bị các nhà tổ chức sử dụng ngang nhiên hoặc bán lại như tài sản của mình. 

Hưng chia sẻ, bản thân cậu đã từng tham gia một cuộc thi thiết kế hình nền đẹp cho điện thoại di động với giải thưởng được hứa hẹn là “một máy tính bảng và 10 triệu đồng” dành cho người đoạt giải nhất. Tuy vậy, sau khi Hưng và một số bạn khác gửi bài dự thi, đùng một cái, Hưng nhận được thông báo “cuộc thi phải tạm ngừng do một số lý do về…kỹ thuật”. Một thời gian sau, Hưng thấy tác phẩm của mình xuất hiện trên mạng. Gọi điện đến đơn vị tổ chức, Hưng mới biết “trong thể lệ của cuộc thi đã ghi rõ đơn vị tổ chức có thể sử dụng bất cứ tác phẩm nào của tác giả dự thi nên không có trách nhiệm trả phí”. “Tôi có cảm giác mình đã bị bóc lột nhưng không biết làm thế nào” - Hưng thất vọng.

Trước tình trạng trên, trong cộng đồng các nhà thiết kế trẻ đã truyền tai nhau khẩu hiệu: “I am an artist, this does not mean I will work for free. I have bills just like you”, tạm dịch là “Tôi là một nghệ sĩ, điều này không có nghĩa là tôi làm việc không công. Tôi cũng có những hóa đơn cần thanh toán giống như bạn”. Nhiều bạn còn nêu ra những dấu hiệu nhận biết các “cuộc thi lừa”  (giải thưởng cao, điều kiện đơn giản…) và kinh nghiệm của bản thân để những người khác biết cách phòng tránh.

Về vấn đề trên, Tiến sỹ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng nhận định, không phải cuộc thi nào cũng nhằm mục đích vụ lợi hay bóc lột những người tham gia. Để tìm kiếm cơ hội cho mình, các bạn trẻ không nên chỉ nhìn thấy một vài hiện tượng tiêu cực trước mắt mà chùn bước, các bạn cần phải tích cực tham gia các cuộc thi để khẳng định năng lực và tài năng của bản thân. Tuy nhiên, trước khi quyết định gửi tác phẩm dự thi hay quyết định tham gia bất cứ cuộc thi nào, mỗi cá nhân cần thận trọng, xem xét kỹ về đơn vị tổ chức, tính pháp lý của nó. Ngoài ra, các bạn cũng cần tự trang bị cho bản thân những kỹ năng và kiến thức về pháp luật để có thể tự bảo vệ bản thân, đặc biệt trong những trường hợp xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.