Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Thành công và nổi tiếng đều phải trả giá

ANTD.VN - Sau 10 năm theo đuổi dòng thính phòng, giọng ca xứ Nghệ Vũ Thắng Lợi đã sở hữu khá nhiều giải thưởng âm nhạc uy tín. Trong suốt những năm tháng đến với âm nhạc, người từng đoạt giải nhất Giọng hát hay Hà Nội cách đây 10 năm vẫn hoạt động âm nhạc một cách bền bỉ, không chiêu trò, không màu mè. Đối với anh, chỉ cần sống hết mình với đam mê còn danh tiếng hãy để “hữu xạ tự nhiên hương”.

Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Thành công và nổi tiếng đều phải trả giá ảnh 1

Không chú trọng vào sự nổi tiếng

- PV: Anh sở hữu giọng hát hay, được giới chuyên môn đánh giá cao, bằng chứng là nhiều giải thưởng âm nhạc anh đang sở hữu. Thế nhưng tên tuổi của anh có vẻ khá khiêm tốn, anh có giải mã được điều này?

- Ca sĩ Vũ Thắng Lợi: Tôi là người sống rất đơn giản và mộc mạc. Tôi nói thật, khi chia sẻ điều này không biết mọi người có tin hay không, nhưng tôi xin tâm sự thật, tôi là người không quá chú trọng vào sự nổi tiếng. 

Mỗi người sẽ có quan niệm về sự nổi tiếng khác nhau và cũng có nhiều cách để nổi tiếng, đôi khi sẽ có cả những trả giá cho điều đó. Tôi muốn giọng hát của mình “hữu xạ tự nhiên hương”, nếu mình thật sự hát hay thì khán giả sẽ ghi nhận. Chỉ cần bản thân nỗ lực và kiên định với con đường âm nhạc đã chọn. 

- Như anh chia sẻ thì sẽ khó khiến người khác tin, bởi hầu hết những ai làm nghệ thuật cũng đều mong muốn tìm kiếm con đường nổi tiếng nhưng anh lại không? 

- Có lẽ do tính cách của tôi như vậy. Tôi là người sống khép kín và không muốn thể hiện nhiều về cuộc sống cá nhân. Với âm nhạc, tôi chỉ luôn dặn mình hãy sống trọn với đam mê, còn mọi nỗ lực và cố gắng của mình hãy để khán giả ghi nhận. 

- Anh từng chia sẻ, khi mới bước chân vào âm nhạc, con đường anh đi không thuận lợi và dễ dàng?

- Tôi sinh ra trong một gia đình lao động, chính xác là rất nghèo, gia đình lại không có ai theo nghệ thuât. Thêm vào đó, bố mẹ sinh tôi ở độ tuổi không còn trẻ. Nhà nghèo, phải “chạy ăn từng bữa”, bố mẹ cũng chỉ cố gắng nuôi tôi đủ ăn cũng là may mắn lắm rồi. Ngày bé, tôi đã thích ca hát. Đến năm học lớp 11, tôi nhất quyết xin đi làm thêm công việc bưng bê ở một quán cà phê ở quê nhà chỉ vì quán đó có dịch vụ hát cho khách. Thi thoảng, tôi lại xin chủ quán được hát. Tôi không bao giờ quên quãng thời gian đầu tiên đó của mình.

Lời khuyên của mẹ là động lực để quyết tâm ở lại Hà Nội

- Khó khăn là thế nhưng có bao giờ anh cảm thấy áp lực, chán nản?

- Khi còn đi học tôi từng nhận lời đi hát đám cưới với mức 30.000 đồng để kiếm sống. Sau khi học xong trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội, tôi phải đứng trước 2 lựa chọn, một là về quê hoạt động nghệ thuật cho đơn vị quân đội ở địa phương, hai là xin ở lại Hà Nội. Nhưng nếu về quê thì cơ hội phát triển nghệ thuật của tôi không có nhiều. Vì thế, tôi đã quyết định ở lại Hà Nội để thực hiện giấc mơ của mình. 

Thời điểm mới ra trường, lương của tôi hơn 1,7 triệu/tháng trong khi tiền thuê nhà còn hơn thế. Tôi nhận lời đi hát ở nhiều nơi để kiếm sống, đôi khi cát-sê chỉ 100.000-200.000 đồng/buổi. Thời điểm ấy, tôi chỉ lo cho cuộc sống của mình theo từng ngày. Đã có lúc, tôi từng rất nản, nhiều đêm không ngủ được, trở dậy tự hỏi mình: Tại sao không trở về nhà với gia đình, có thể sẽ có một cuộc sống đỡ nặng nề hơn, lại được gần bố mẹ. Nhưng mẹ đã khuyên tôi “hãy lựa chọn con đường tốt nhất cho tình yêu nghệ thuật của mình”. Chính lời khuyên của mẹ là động lực để tôi quyết tâm ở lại Hà Nội.

Nhìn lại chặng đường đã trải qua, tôi luôn cảm ơn những thử thách buổi đầu khởi nghiệp vì chúng cho tôi thêm niềm tin, động lực và sự kiên định với nghề. Hà Nội là mảnh đất giúp cho cái tên Vũ Thắng Lợi được đến gần với khán giả.

- Thời điểm anh mới bước chân ra từ các cuộc thi âm nhạc nhưng vẫn chưa tạo được dấu ấn cho mình, cuộc sống khó khăn và anh còn phải bán cả cây đàn mình yêu quý, chắc hẳn anh đã rất đau lòng?

- Tôi giành giải Nhất cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 2008, cùng năm đó là giải Ba cuộc thi Tiếng hát mùa thu và giải Người thể hiện ca khúc hay nhất về Hà Nội. Sau cuộc thi, tôi vẫn loay hoay chưa biết nên làm thế nào để tiếng hát của mình có hướng đi mới. Đó là sự bế tắc của rất nhiều giọng hát trẻ bước ra từ một cuộc thi âm nhạc.

Năm 2011, tôi tiếp tục dự thi Sao Mai và giành giải Nhì dòng thính phòng. Nhưng năm đó, kinh tế đang suy thoái, đời sống âm nhạc trong nước khá chững, gần như không có nhiều hoạt động nổi bật. Nghệ sĩ gặp khó khăn trong hoạt động nghệ thuật. Lúc đó, tôi cũng dốc hết số tiền tiết kiệm được để đầu tư cho cuộc thi nên sau đó tôi lại tiếp tục bế tắc trong cuộc sống của mình. 

Tôi phải bán cây đàn piano mà mình phải chắt chiu mua với giá 20 triệu đồng để tiếp tục trang trải cuộc sống. Nhưng với tình yêu đam mê trong người luôn rực cháy đã giúp tôi vượt qua được tất cả.

- Một số ca sĩ có danh tiếng cũng đều có những thay đổi trong âm nhạc để bắt theo xu thế, vậy có bao giờ anh có ý định thay đổi dòng nhạc của mình để tiếp cận khán giả gần hơn?

- Ai cũng có sở thích và sự cảm nhận riêng ở những dòng nhạc khác để lựa chọn phù hợp với mình. Tôi sẽ không bắt ép mình hát những gì không thuộc về mình. Nếu cố mặc một cái áo không phải của mình sẽ là lố bịch và quá rộng. Tôi vẫn kiên định với dòng thính phòng, tới đây sẽ có sự thay đổi theo hướng bán cổ điển.

Từ cát-sê 100.000 đồng đến sở hữu 2 căn nhà

- Nếu thuở mới vào nghề, cát-sê của anh chỉ là vài trăm nghìn đồng, đến bây giờ anh có thể tiết lộ được con số cụ thể giá cát-sê của mình?

- Rất nhiều người nói dòng nhạc thính phòng kén người nghe, nhưng tôi vẫn chạy show đều và mua được 2 căn nhà, trong đó có một căn hộ chung cư cao cấp đang trả góp. Tôi mua để đón bố lên ở cùng chăm sóc. Bố tôi đã lớn tuổi và sức khỏe không còn tốt.

Còn về chuyện cát-sê thì tôi không kén chọn. Có những người hét cát-sê lên tới cả trăm triệu nhưng tôi luôn hài lòng với những gì mình được trả. Tôi thậm chí có thể hát miễn phí ở những chương trình từ thiện, ra hải đảo hát cho các chiến sĩ. Tiền tôi kiếm được là do chăm chỉ đi diễn và tích góp trong nhiều năm qua.

- Tròn 10 năm theo nghề, anh đã đánh dấu cho mình một đêm nhạc mang tên “Khát vọng”, anh có thể giải thích vì sao lại lấy tên này?

- Đó là giấc mơ của tôi trong âm nhạc. Cũng giống nhiều nghệ sĩ khác, tôi khởi nghiệp khó khăn, có lúc tôi gặp bế tắc không biết rồi con đường âm nhạc của mình sẽ đi đến đâu. “Khát vọng” là điều tôi muốn nói với khán giả của mình - nghệ sĩ luôn khao khát được hát, được sống với dòng nhạc mình theo đuổi. 

- Vợ anh đã hỗ trợ cho anh trong sự nghiệp?

- Đúng vậy! Cô ấy đã luôn bên cạnh tôi, thay tôi chăm sóc gia đình mình những lúc công tác xa nhà. Ngay khi tôi thực hiện liveshow mang tên “Khát vọng”, cô ấy đã động viên và khích lệ tôi rất nhiều.

- Cảm ơn và chúc anh hạnh phúc, thành công hơn nữa!

“Ngày bé, tôi đã thích ca hát. Đến năm học lớp 11, tôi nhất quyết xin đi làm thêm công việc bưng bê ở một quán cà phê ở quê nhà chỉ vì quán đó có dịch vụ hát cho khách. Thi thoảng, tôi lại xin chủ quán được hát. Tôi không bao giờ quên quãng thời gian đầu tiên đó của mình...”. 

Ca sĩ Vũ Thắng Lợi