Ca sĩ Thái Thùy Linh - "Thời nay, lòng từ bi cần đi liền với trí tuệ"

ANTD.VN - Trong cuộc phỏng vấn kéo dài chừng 3 tiếng đồng hồ, cô ca sĩ mà tên tuổi gắn liền với 2 chương trình từ thiện Mang âm nhạc đến bệnh viện & Áo ấm vì trẻ em dân tộc miền núi, đã chia sẻ với phóng viên An ninh Thủ đô, lúc hào hứng sôi nổi khi suy tư trầm lắng, về công tác từ thiện và cách nhìn nhận đánh giá của cô về phong trào từ thiện trong xã hội hiện nay.

PV: Là người tham gia công tác từ thiện có “thâm niên”, quan điểm của riêng Linh về từ thiện?

Ca sĩ Thái Thùy Linh: Mấy tháng nay, em từ chối khá nhiều lời đề nghị phỏng vấn về vấn đề tình nguyện, nhưng lần này em nhận, vì em tin chúng ta có cách để truyền tải những gì em muốn nói đúng như ý em định nói. Em đã từng bị nhiều lần việc người khác chuyển tải không đúng ý. Từ văn nói chuyển sang văn viết là cả một vấn đề, là chuyện nghề nghiệp.

Đời thường, nhiều khi nói với nhau mà để hiểu hết đã là khó khăn, nữa là ghi lại để rồi viết thành bài báo. Còn có người viết hời hợt như là để nộp bài cho xong. Em trả lời phỏng vấn của họ, nhưng đến khi đọc bài trên báo thì cảm thấy bị hụt hẫng, vì mình nói nhiều khía cạnh của vấn đề nhưng họ chỉ quan tâm đến một khía cạnh, mà vấn đề chỉ nói về 1 khía cạnh thì nó lại bị méo mó, rồi gây cho người đọc hiểu về mình không đúng.

Em thì không phải là người theo đạo Phật, thế nhưng em nghe được đạo Phật quan niệm: “từ bi cần đi liền với trí tuệ”. Vì nếu chỉ có từ bi không thôi, tức là tình thương mà đặt không đúng chỗ, đôi khi mang lại hậu quả xấu. Tình thương đặt vào một con rắn chẳng hạn, sẽ gây nên những hậu quả khôn lường, thực tế đã có như thế rồi.

Trong lĩnh vực hoạt động xã hội, cái mất mát, tổn thất lớn nhất là lòng tin, mà lòng tin lại là cái không đơn giản có được. Rất khó để gây dựng hay lấy lại lòng tin. Thực ra, em không muốn tranh cãi, do cái đó còn từ nhận thức, từ cảm nhận, từ trí tuệ của mỗi người nữa. Em thấy có rất nhiều người tốt hơn em bởi vì cái từ bi của người ta tự nhiên và bao la đến mức, đôi khi em cảm thấy, người ta thành “mù quáng”.

Em không như thế được vì, hoặc là em tỉnh quá, lý trí quá. Có người nói về em, rằng cô ấy “đạo đức giả” đấy, làm từ thiện nhưng thấy người ăn xin lại không cho tiền, thế mà lại bảo là làm từ thiện. Vì em không cho tiền người ăn xin. Đó là quan niệm, nguyên tắc cư xử của em.

Vì sao cần tính chuyên nghiệp, bài bản trong công tác từ thiện?

Ca sĩ Thái Thùy Linh: Nói về sự “muôn màu muôn vẻ” của từ thiện, thì em biết nhiều, do em đã làm từ thiện khoảng 8 năm, trong đó 6 năm gần đây chính thức hoạt động liên tục với 2 chuỗi chương trình lớn mà mọi người biết đến nhiều: Mang âm nhạc đến bệnh viện & Áo ấm vì trẻ em dân tộc miền núi.

Bên em có đăng ký bản quyền sở hữu về cái tên của chương trình. Tại sao phải đăng ký? Bởi vì khoảng dăm - ba năm trước, có một chương trình đã lấy tên chương trình đó nhưng làm không đúng với format của chương trình. Nếu họ cũng làm tốt được thì không có vấn đề gì.

Em rất thích là ở tất cả các bệnh viện đều làm được các chương trình ca nhạc do địa phương tổ chức, bọn em sẵn sàng chia sẻ format, các nguồn lực bọn em có. Nhưng đăng ký là để tránh việc ai đấy tổ chức, dùng một cái tên chương trình như thế, rồi làm nó khác đi, khác với mục đích của nó, rồi thậm chí trà trộn cái gì vào theo cách không minh bạch.

Mấy năm đầu chương trình có bảo trợ của Đoàn thanh niên - Bộ Y tế. Ba năm nay là Trung tâm Tình nguyện quốc gia - Trung ương Đoàn.

Những việc đấy thể hiện tính chính danh, sự chuyên nghiệp của hoạt động.

Hoạt động từ thiện hiện nay khá là phức tạp vì nó “muôn hình vạn trạng”. Ngoài việc hoạt động từ thiện chuyên nghiệp đã lâu, thì em còn là người nhìn thẳng và nói thẳng, khác với đa số người cứ động đến chủ đề từ thiện, trẻ em, người già…, là sẽ trình bày “lạng lách”(!)

Chẳng hạn về một số người nhận quà từ thiện. Quan niệm xã hội bây giờ coi từ thiện là vùng “bất khả xâm phạm”, làm cho có những người ảo tưởng tự thấy mình có quyền lấn lướt người khác vì mình già, vì mình nghèo, vì mình tàn tật…, nên được làm cái nọ, được làm cái kia. Nếu nói rằng họ hoàn toàn tự cho mình cái quyền đó thì cũng không hẳn, đôi khi chính xã hội làm cho họ ảo tưởng như thế.

Em chứng kiến những trường hợp vì khó khăn quá nên có nhiều người giúp đỡ, thế là họ tự cho họ cái quyền, giống như anh chàng “hát rong gà trống nuôi con”, phải liên lạc nhiều lần mới được sắp xếp lịch để đến trao quà, rồi phóng viên phải như thế nào thì mới được phỏng vấn (!),

Ca sĩ Thái Thùy Linh trong một chương trình Mang âm nhạc đến bệnh viện 

Em thất vọng về việc này, vì làm từ thiện thì nên chuyên nghiệp, ở Việt Nam mình càng lúc càng phải chuyên nghiệp, nhưng người nhận từ thiện thì đừng chuyên nghiệp. Em đã “đụng độ” rất nhiều những người “nhận từ thiện chuyên nghiệp”, đều là những chuyện “cười ra nước mắt”.

Về tính hai mặt của các hoạt động từ thiện “đua nở” hiện nay, em nghĩ chắc là không lâu nữa, chủ đề từ thiện sẽ bị loạn xạ, nhiều hoạt động từ thiện bị sai lệch khỏi tính thiện nguyện nguyên gốc của nó, làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý của những người tham gia. Rối mù, lộn xộn nữa. Việc có nhóm còn tự đặt tên là “từ thiện thật”, phần nào phản ánh điều đó.

Năm 2016, trong đợt lũ lụt miền Trung, em đến một xã ở Hà Tĩnh chỉ với mục đích khảo sát, chứng kiến trong bóng chiều chập choạng có đến 6 - 7 đoàn đi làm từ thiện cùng một lúc, phát quà trên cùng một cái sân của ủy ban xã. Họ quát tháo, hò hét, cãi nhau… theo cách rất bản năng, thiếu kinh nghiệm và tư duy tổ chức. Nhưng nếu em nói ra ngay lúc đấy, thì mọi người sẽ nhảy dựng lên ngay(!)

Sự bát nháo, lộn xộn của những người đi làm từ thiện đã “làm hư” và làm hại cả đến cách hành xử của những người nhận. Từ cổng vào, em đã thấy ngay là dường như đang có sự mua bán đồ từ thiện - những đồ mà người ta vừa nhận, xong rồi người ta ra cửa người ta bán ngay. Chăn bông và nồi cơm điện là hai thứ to, nhìn rất rõ, thậm chí có nguyên một cái xe như kiểu xe bò, đang chở cả một đống cao toàn chăn, nối cơm điện mới tinh.

Lại gần, xác minh được đấy đúng là đang mặc cả mua bán, em vào hỏi thì người ta chối. Họ nháy nhau là không, không có bán đâu, cái này vì to quá nên chúng tôi mới gửi lên xe bò chở về thôi. Hỏi sao lại mặc cả và có trao tiền thì họ im.

Nhưng về sau tìm hiểu, thì em lại còn thấy một lẽ khác trong câu chuyện. Em biết những người được nhận đồ cứu trợ đang không thiếu chăn. Đi vào một số nhà, em hỏi, thì họ bảo mùa đông ở đấy lạnh như Hà Nội, nên họ không thể sống và qua mùa đông mà không có chăn.

Và nhà họ vẫn đang có chăn bình thường, vì có phải ở thời cách đây bốn - năm mươi năm mà không có chăn để đắp đâu? Dù rằng có thể trong 4 cái chăn thì có 2 cái rách chẳng hạn. Nhưng các đoàn từ thiện đến, vẫn trao quà từ thiện là chăn cho họ. Và họ năm nay được nhận chăn, sang năm cũng nhận chăn, hôm nay nhận chăn, ngày mai lại chăn, hôm nay đoàn này cho chăn, ngày kia lại đoàn khác tặng chăn…

Mà các đoàn từ thiện thì cũng không biết rằng họ - những người nhận quà, đang không thiếu chăn, và đang thiếu gì? Nên nếu dân ở đấy nhận chăn và không bán chăn đi, thì biết làm sao? Rồi còn nồi cơm điện nữa? Ngân quỹ có hạn, bên cho mua toàn nồi bé, mà nhà họ thì nhiều người. Nhận rồi cũng để bán đi mà thôi, cũng là lẽ tự nhiên.

Đó là chuyện người trao thì áp đặt và không tìm hiểu tí gì về kẻ nhận. Họ hoàn toàn không khảo sát trước, và tổ chức thì rất lộn xộn. Vì nếu như tổ chức một cách đàng hoàng hơn thì người nhận sẽ không bỗng dưng bị đẩy vào tình thế là buộc người ta phải xấu xí. Em nói thẳng là cũng vẫn có những người bản chất thì xấu xí, tham lam, bon chen thật, tuy họ chỉ là thiểu số...

(Còn nữa)