Ca sĩ Phương Thảo bất ngờ tiết lộ từng lấy chồng lần 2 và đang chờ "sang đò" lần 3

ANTD.VN - Sau khi trổ tài sáng tác, Phạm Phương Thảo bất ngờ ra mắt tập thơ đầu tay với tên gọi “Đi hết xuân thì”.

1. Thảo hẹn gặp mọi người để giới thiệu dự án thứ 2 trong chuỗi sản phẩm kỷ niệm 20 năm ca hát của mình, cứ ngỡ sẽ là một MV hay album ca nhạc, hóa ra lại là một tập thơ. Trước giờ, tài viết nhạc của Thảo đã được nhiều người biết tới qua một số ca khúc do chính cô sáng tác, nhưng việc Thảo làm thơ thì chắc chỉ những người bạn thân thiết với cô mới biết.

Cuộc gặp diễn ra trong không gian ấm cúng của một quán cà phê, xung quanh treo một vài bức họa chân dung của Thảo. Nữ ca sĩ thổ lộ, cô chọn một vài tấm hình mà mình ưng nhất, cảm thấy có thần thái nhất rồi gửi vào trong TP.HCM nhờ một họa sĩ vẽ. Những lẵng hoa chúc mừng Thảo được gửi đến tới tấp, đáng chú ý trong đó có cả chiếc lẵng hoa găm đầy…dao. Hỏi Thảo về chiếc lẵng hoa kỳ lạ này, cô cười rồi kể, có một người ngỏ ý muốn mua hoa tặng cô nhân dịp ra mắt tập thơ đầu tay, song Thảo nửa đùa nửa thật rằng: “gửi dao thì nhận, gửi hoa không nhận”. Để thỏa mãn điều kiện của Thảo, lẵng hoa vẫn được gửi đến nhưng găm đầy dao.

Thảo tự nhận mình không có "đối thủ" về độ "điên" 

2. Thảo tự nhận mình không bình thường, về độ hâm, độ điên, độ thần kinh thì cô “không có đối thủ”. Còn cô sau mấy chục năm sống với cái “điên” đấy cũng thấy nó làm mình hơi mệt, huyết áp tăng, nhịp tim cũng tăng, chỉ lãi cái là nhờ những lúc “điên” thế mà cô chạm đến đỉnh cao của cảm xúc. Và một điều khác quan trọng không kém, ấy là việc bạn bè thân thiết hiểu được cái “điên” đấy của Thảo nên không bao giờ chấp mà toàn nhường. Nhờ vậy mà có sự ra đời của cả một tập thơ có tên gọi rất “kêu” – “Đi qua xuân thì”.

Cầm trên tay “đứa con” thơ đầu tiên, Thảo cười bảo, chính bản thân mình cũng không lường trước được một ngày nào đó lại cho ra mắt một tập thơ dù cô làm thơ trước cả khi đi hát và viết nhạc. Cô làm thơ từ năm 15-16 tuổi, khi bắt đầu đi học thanh nhạc. Thay vì ghi lại những trang nhật ký bằng lời, cô chọn cách viết thơ. Thảo quả quyết, thơ của cô chưa chắc đã chuẩn mực song đó là những cảm xúc thật, rất thật từ đáy lòng mình. Với cô, âm nhạc là tri âm, còn thơ là tri kỷ.

Tập thơ "Đi hết xuân thì" được Phạm Phương Thảo bất ngờ ra mắt rộng rãi 

3. Ban đầu, Thảo định đặt tên cho tập thơ đầu tay là “Gái Nghệ”, sau nghe tên gọi ấy có gì đó gợi chút riêng tư nên cô đổi lại thành “Đi hết xuân thì”. “Đi hết xuân thì” cũng là tên bài dài nhất trong tập thơ này với 99 câu lục bát.

Nhớ lại, Thảo chia sẻ, cô viết bài thơ này trong tâm trạng muốn chia sẻ và chiêm nghiệm về cuộc đời mình. Rất nhanh sau câu thơ mở đầu “Em là con gái miền trong”, 98 câu còn lại cứ tuôn ra ào ạt. Bài thơ được cô viết trên điện thoại trong vòng 2 tiếng đồng hồ, như phác họa lại bức tranh toàn cảnh về cuộc đời của mình, từ lúc còn là một đứa trẻ “lên tám lon ton”, đến khi khăn gói xa gia đình lên thành phố để theo đuổi con đường ca hát vẫn bị nhiều người xem là “xướng ca vô loài”, rồi kết hôn khi “đến lứa đến thì” nhưng không bao lâu thì “đứt gánh” giữa đường, xót xa thêm khi 2 năm kể từ ngày chia tay cô hay tin “người cũ chọn ngày rước dâu”...

Ca sĩ Phương Thảo bất ngờ tiết lộ từng lấy chồng lần 2 và đang chờ "sang đò" lần 3 ảnh 3

Thảo tìm đến thơ để trải lòng và được sống thật với chính mình

Đặc biệt, trong bài thơ “Đi hết xuân thỉ”, Thảo cũng không ngần ngại trải lòng việc cô đã từng lấy chồng lần 2. Người chồng thứ 2 theo lời Thảo mô tả trong thơ là một người vừa gặp cô đã thấy rất thương, cả hai cùng trải qua cảnh “đứt lìa” trong đời sống riêng nên đồng tâm, đồng cảm với nhau.

Thảo thẳng thắn kể, nếu như lần lấy chồng đầu tiên rềnh rang xe hoa đưa rước thì lần thứ 2 chỉ có một mâm trầu bê sang nhà gái cũng xong. Cuộc hôn nhân đơn sơ và lặng lẽ này cũng chỉ kéo dài được “5 năm bầy nhầy” với trăm điều đau khổ. Hiện giờ Thảo trở lại là người độc thân và cô tin rằng số phận sẽ còn sắp xếp để cô “sang đò” lần thứ ba và đấy sẽ là “một trận rất kinh”.

Cũng trong tập thơ “Đi hết xuân thì” có tới 6-7 bài được Thảo viết lại thành thơ từ ca khúc do chính mình sáng tác. Như bài “Mơ duyên” thật ra là một ca khúc cô viết theo đơn đặt hàng của một ca sĩ trẻ. Có điều, viết xong, cô tự thấy bài hát này có ca từ và giai điệu rất thơ, chỉ cần sửa lại vài câu là thành thơ. Vậy là phiên bản thơ “Mơ duyên” ra đời.

Trải qua 2 cuộc hôn nhân tan vỡ, Thảo vẫn tin mình sẽ còn một lần "sang đò" thứ 3

4. Buổi gặp gỡ ra mắt thơ của Thảo có sự xuất hiện của nhạc sĩ – nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Thảo nói vui, ban đầu cô gọi ông là “chú”, xưng “cháu”  song từ ngày biết Thảo làm thơ và đọc thơ Thảo, vị nhạc sĩ này chuyển sang gọi Thảo là “em”, còn cô thì liều thay đổi cách xưng hô, gọi ông là “anh”. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhận Thảo là trò và chia vui vì người học trò của thơ ca đã dám công bố mình. Ông cũng hài hước trêu Thảo rằng, nếu trò mà làm thơ hay thì có khi thành thầy. Cá nhân ông, đặc biệt trân trọng cái tình và sự dám sống hết mình với thơ như Thảo.

Về phần mình, Thảo thổ lộ, cô làm thơ, in thơ không phải để dấn thân vào địa hạt văn chương hay trở thành nhà thơ, mà đơn giản là để tri ân cuộc đời, để chia sẻ với mọi người về một Phạm Phương Thảo phía sau ánh đèn sân khấu – người đàn bà đa tình, truân chuyên, đáo để, đành hanh nhưng cũng rất lãng mạn và mơ mộng.