Cá quả lậu tiêm thuốc, cơ quan hữu trách thờ ơ

ANTĐ - Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, tình trạng vận chuyển lậu cá quả, ếch… từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ lại “nóng”. Đáng nói, hầu hết các lô hàng nhập lậu khi bị phát hiện, thu giữ đều có tình trạng “cá ngủ, ếch ngủ” khiến người tiêu dùng hoang mang.
 
Cá quả lậu tiêm thuốc, cơ quan hữu trách thờ ơ ảnh 1
Hầu hết các lô hàng cá quả nhập lậu khi bị lực lượng chức năng phát hiện, 
thu giữ đều được tiêm thuốc mê

Cá lậu tiêm thuốc mê

Tại Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tàu Dân Tiến (Quảng Ninh) trong thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển cá quả nhập lậu với số lượng lớn từ Trung Quốc. Chỉ trong 2 ngày cuối tháng 8 (24 và 26-8), đơn vị này đã bắt gần 600kg, trong tháng 7 đã bắt hơn 800kg. Lái xe khai nhận thu gom hàng từ Trung Quốc chở về xuôi tiêu thụ. Đại diện Trạm Kiểm soát liên hợp Bến tàu Dân Tiến cho biết, hầu như tháng nào cũng phát hiện, bắt giữ vài ba vụ vận chuyển cá quả, ếch nhập lậu từ Trung Quốc.

Đáng nói, ở hầu hết các lô hàng cá quả Trung Quốc khi bị phát hiện, cá đều trong tình trạng “lờ đờ ngủ đông”. Theo lý giải từ một số lái xe, có tình trạng này là do cá được tiêm thuốc mê, giúp cá sống được lâu hơn, khi vận chuyển từ biên giới về đến các tỉnh tiêu thụ không bị chết. Thông tin này khiến hàng triệu người tiêu dùng lo lắng về vấn đề ATTP.

Ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, gây mê là phương pháp phổ biến được sử dụng trong quá trình vận chuyển hàng thủy sản tươi sống. Hiện nay, nhiều mặt hàng thủy sản tươi sống khi nhập vào Việt Nam cũng được đối tác công khai sử dụng phương pháp gây mê như: tôm hùm từ Bắc Mỹ, ốc vòi voi từ châu Úc… “Phương pháp này vẫn được gọi là cho cá “ngủ đông” để đảm bảo hàng thủy sản không bị giảm chất dinh dưỡng khi vận chuyển đường dài. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc gì, có nằm trong danh mục hóa chất cho phép hay không, gây độc hại không là vấn đề khác”, ông Trần Văn Lĩnh bày tỏ. Theo quy định, với những lô hàng thủy sản nhập khẩu, nhà nhập khẩu phải khai báo và cơ quan chức năng có trách nhiệm kiểm tra xem có đảm bảo tiêu chuẩn hay không. Tuy nhiên, với những lô hàng nhập lậu thì việc kiểm tra, kiểm soát là không có. Vì vậy, cá được tiêm thuốc gì, tồn dư kháng sinh cấm, độc hại hay không cũng không ai hay biết.  

Vẫn... đang làm rõ

Ông Lê Văn Khoa, Trung tâm chuẩn đoán Thú y Trung ương (Cục  Thú y, Bộ NN&PTNT) phân tích: “Trong quá trình vận chuyển, để thủy sản không thải ra chất thải gây ngộ độc cho chúng, người ta áp dụng rất nhiều biện pháp như gây sốc nhiệt (giảm nhiệt độ), dùng thuốc gây mê... Do đó, gây mê không phải là phương pháp độc hại, mà phụ thuộc vào thuốc người ta dùng để gây mê là gì”. 

Trước tình trạng thủy hải sản nhập lậu từ Trung Quốc “hoành hành”, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu cơ quan chuyên môn kiểm tra. Theo đó, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã lấy mẫu phân tích một số loại thủy sản nhập lậu. Kết quả kiểm nghiệm đã phát hiện 4 mẫu trong đó 1 mẫu cá tầm, 1 mẫu cá trê nhiễm hóa chất cấm Leuco Malachite Green và 2 mẫu cá quả nhiễm kháng sinh cấm AOZ. Đây là 2 loại hóa chất và kháng sinh đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ năm 2007. Con người nếu ăn nhiều cá nhiễm các chất này sẽ gây nhờn kháng sinh, các bệnh về gan, thận và bệnh nan y nên từ trước năm 2007, thế giới đã cấm và loại chúng ra khỏi danh mục được phép sử dụng.

Mặc dù cơ quan chuyên môn cho rằng, cá quả nhập lậu lờ đờ là do tiêm thuốc mê để thuận lợi trong quá trình vận chuyển, song dùng thuốc gì để gây mê, có được phép hay không vẫn còn là ẩn số. Phó Chủ tịch Vasep Trần Văn Lĩnh cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, xác minh làm rõ và có câu trả lời cho người tiêu dùng.