Cả nước cần 4.000 tỷ đồng để chống hạn

ANTĐ - Ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi cho biết, đến nay, diện tích cây trồng vụ đông xuân 2012-2013 đang bị hạn hán, xâm nhập mặn lên tới 117.232 ha. Khắp các tỉnh Bắc Trung bộ, 5 tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều bị hạn hán, xâm nhập mặn. Theo báo cáo sơ bộ của 46 tỉnh thành, nhu cầu kinh phí để chống hạn đã lên tới 4.000 tỷ đồng. 

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng cho biết, trên địa bàn Đà Nẵng hạn hán diễn ra diện rộng, kéo dài nhiều ngày. “Chúng tôi có 3.000 ha lúa  thì phải chống hạn cho 2.500 ha,  trong đó 300 ha mất trắng. TP Đà Nẵng còn phải đối diện một thực trạng là thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng”. Còn tại Quảng Nam, ông Võ Huy Điềm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, lượng mưa cả năm 2012 chỉ đạt 60% so với mọi năm, do đó, Quảng Nam bị khô hạn, xâm nhập mặn nghiêm trọng. “Sông Tỉnh Điền, từ tháng 1-2013, độ mặn lên tới 4-5 phần nghìn, điều chưa từng xảy ra ở Quảng Nam”. 

Tỉnh Đồng Nai từ đầu tháng 2  đến nay, hạn hán và nắng nóng kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Theo ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở NN&PTNT, do thời tiết nắng nóng và khô hạn kéo dài nên nhiều diện tích cây rừng, trong đó chủ yếu là các loại cây gỗ lớn như sao, dầu bị chết khô do thiếu nước. 

Cũng chính bởi tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt mà mới đây, Tổng cục Thủy lợi cùng 2 tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam và đại diện các nhà máy thủy điện trên địa bàn đã phải họp khẩn về vấn đề này. Tại đây, TP Đã Nẵng đã rất gay gắt trong việc đòi thủy điện phải trả nước trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Thậm chí, Đà Nẵng đã kiến nghị tạm dừng hoạt động của nhà máy thủy điện Đắk Mi4 để đảm bảo nước cho sản xuất. 

Tuy nhiên, để giải quyết hài hòa vấn đề nước, các bên đã thống nhất lịch xả nước thông qua tăng cường phát điện tại 4 lưu vực sông, hồ gồm: hồ chứa Hàm Thuận -Đa Mi và Đại Ninh thuộc lưu vực sông La Ngà, sông Lũy; hồ chứa sông Ba Hạ và sông Hinh thuộc lưu vực sông Ba-Bàn Thạch; xả nước hồ chứa Đơn Dương qua phát điện tại Nhà máy Thủy điện Đa Nhim thuộc lưu vực sông Cái Phan Rang; xả nước qua phát điện hồ chứa Buôn Tua Srah thuộc lực vực sông Serepok. Còn, quy trình vận hành liên hồ trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn hiện vẫn đang được Bộ TN-MT nghiên cứu, xây dựng. Hạn hán vẫn còn kéo dài thêm vài tháng nữa.