Gia cảnh thủ khoa ĐH Dược Hà Nội:

Cả nhà trông vào 500 nghìn đồng mỗi tháng

ANTĐ - Câu chuyện về gia đình thủ khoa trường ĐH Dược Hà Nội Lê Đức Duẩn dường như theo hướng có hậu sau bao nhiêu nước mắt bởi người ruột thịt mắc bệnh nan y lần lượt ra đi cùng nỗi vất vả lo cơm áo hàng ngày. Nụ cười sáng trên khuôn mặt người mẹ trước tin con đỗ thủ khoa nhưng trong mắt bà lại ẩn hiện nét lo làm sao để con theo đuổi được ước mơ.

Đan cỏ tế đem thu nhập chính 500.000 đồng/tháng cho cả gia đình Duẩn


Con đỗ đại học, mẹ xin đi làm công nhân

Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, gia đình Lê Đức Duẩn chẳng có vật dụng gì đáng giá cũng như bao gia đình khác trong thôn Nhị Khê, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ấn tượng nhất là bộ bàn ghế học tập của cậu thủ khoa, được thợ trong thôn đóng bằng gỗ của nhà. Bộ bàn ghế cũ kỹ và đơn sơ này đã theo Duẩn từ khi cậu học lớp 1 để rồi hôm nay chủ nhân của nó sẽ tiến thẳng vào ghế giảng đường đại học với vị trí đầu bảng của ngôi trường nổi tiếng. 

Nếu chỉ nghèo thôi đã vất vả lắm rồi nhưng đôi vai người mẹ Lê Đức Duẩn còn trĩu nặng hơn khi mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều phải tự mình gánh vác. Lần lượt những người ruột thịt trong nhà ra đi để lại sự trống trải trong ngôi nhà tuềnh toàng. “Năm Duẩn lên 8 tuổi thì anh trai cháu bị ung thư máu và qua đời sau 3 tháng chạy chữa. Bốn năm sau bố cháu cũng phát bệnh ung thư gan. Gia đình vay mượn, chạy chữa khắp nơi nhưng rồi cũng không qua khỏi” - bà Nghiêm Thị Thu cho biết. “Tiền ăn đã chẳng có, lúc đó mới thay áo cho con thì chồng lại vướng bệnh hiểm nghèo. Không ai khổ như chị ấy. Tiền vay chữa bệnh cho con chưa trả xong lại thêm khoản vay khác để lo cho chồng” - bà con hàng xóm nhà Lê Đức Duẩn chia sẻ.

“Mấy hôm nay mấy anh chị phóng viên về viết bài được nhiều người trong nước, nước ngoài biết đến gọi điện chia sẻ giúp đỡ mẹ, Duẩn cũng bớt lo. Chứ mấy hôm trước, chị ấy chạy đôn chạy đáo kiếm việc làm thêm cốt sao có chút tiền lo cho con lên Hà Nội học” - cô ruột của Duẩn cho biết. Không phải là làng nghề nên chỉ quanh năm bám đất bám ruộng lo ăn hàng ngày, bà Nghiêm Thị Thu cho biết, tổng thu nhập gia đình hiện nay không quá 500.000 đồng/tháng từ việc nhận đan cỏ tế. Ngồi nói chuyện, tay vẫn thoăn thoắt đan giỏ, Duẩn cho biết, khoảng 30 phút em mới có thể hoàn thiện được một sản phẩm. Tiền công thu được của một sản phẩm là 500 đồng. Không phải ngày mùa, mẹ con Duẩn có thể thu được 15.000-20.000 đồng/ngày. Vậy là mọi chi tiêu trong nhà với 3 mẹ con Duẩn đều trông vào khoản thu nhập này với số thóc từ 3 sào ruộng.

Chỗ duy nhất mà nhiều gia đình nghèo có con đi học trước đó tìm đến là xin làm công nhân tại xưởng sản xuất tăm tre trong thôn. “Tôi tính xin làm ở đây, mỗi ngày cũng được 80.000 đồng tiền công. Vậy là mỗi tháng cũng có tiền tươi cho con học đại học dù biết là vất vả từ 6h sáng đến 7h tối. Nhưng giờ tôi chưa được nhận vì tuổi đã cao lại có bệnh mãn tính, đau lưng nhiều khi nằm một chỗ cả tháng” - bà Thu tâm sự. 

Chọn ngành dược để chữa bệnh cho người thân

“Kinh tế khó khăn như gia đình em thì chắc mọi người thường lựa chọn con đường kiếm tiền ngắn nhất như theo học ngành kinh doanh, tài chính... em lại đi chọn ngành dược?” - “Em cũng biết là nếu theo ngành kinh tế có lẽ sẽ sớm giúp đỡ được gia đình. Học ngành dược phải mất 6 năm, nếu muốn học cao hơn thì phải mất 8 năm mới ra trường. Chọn ngành này em chỉ mong là trong tương lai vẫn kiếm được tiền cho gia đình nhưng đồng thời theo đuổi được ước mơ bào chế thuốc cho những căn bệnh nan y mà người thân trong nhà mắc phải như bố em, anh em và cả chú em nữa” - Duẩn chia sẻ. Trước đó, Duẩn và gia đình em đều muốn đăng ký vào Học viện An ninh vì nếu đỗ, Duẩn sẽ không mất tiền học phí và còn có khả năng nhận được học bổng, giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, với cân nặng chưa đến 40kg của Duẩn thì em không đủ tiêu chuẩn qua vòng sơ tuyển vào trường này.

Con đường học tập 12 năm qua của Duẩn có những lúc tưởng như đã gián đoạn bởi gia cảnh quá khó khăn. Nhưng với tố chất thông minh, thành tích học tập xuất sắc, mẹ cũng như cô chú bác trong nhà Duẩn đã liên tục động viên để em tiếp tục học hành. Ngay cả đứa em mới 12 tuổi cũng nói với mẹ, mẹ cứ lo cho anh học thôi, con sẽ đi làm sớm, kiếm tiền để mẹ không phải lo tiền học cho cả 2 anh em. Bà Thu cho biết, đứa em hàng ngày đảm nhận phần nhiều công việc trong nhà, cơm nước thành thạo, thậm chí hàng ngày câu cá, bắt ốc để cải thiện bữa ăn gia đình để anh yên tâm học tập.

Hàng ngày vượt 20km đi và về trong 3 năm học ở trường THPT Đồng Quan bằng chiếc xe đạp không thể cũ hơn, thậm chí thủng săm, rách lốp cũng phải buộc tạm để đi chứ không có tiền sửa chữa, Duẩn đã không phụ công người thân, thầy cô khi ghi tên bảng vàng trong kỳ thi đại học năm nay. Mong ước của cậu học sinh nghèo Hà Nội này là được sự hỗ trợ của mọi người để nuôi tiếp giấc mơ dược sĩ và mong mẹ đỡ gánh lo cơm áo, nuôi em trai ăn học.

Trước những nỗ lực vượt khó của thủ khoa ĐH Dược Hà Nội Lê Đức Duẩn, Quỹ từ thiện “Bầu ơi, thương lấy bí cùng” của Báo ANTĐ đã trao tận tay thủ khoa món quà nhỏ với mong muốn chia sẻ và động viên em tiếp tục phấn đấu trong quãng đường dài học tập trước mắt. Được biết, lãnh đạo trường ĐH Dược Hà Nội cũng đã được biết về hoàn cảnh của Lê Đức Duẩn để có kế hoạch xem xét hỗ trợ em nhập học với mức cao nhất có thể như học bổng, chỗ ở trong ký túc xá...