Cả mẹ và con cùng lây thủy đậu

ANTD.VN - Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội vẫn liên tục tiếp nhận bệnh nhân mắc thủy đậu đến khám, điều trị…

Khám, điều trị cho bệnh nhân thủy đậu tại Bệnh viện E

Theo các bác sĩ, thời tiết chuyển mùa đông - xuân hiện nay là lúc các dịch bệnh truyền nhiễm do virus như sởi, thủy đậu, tay chân miệng... gia tăng. Tại Hà Nội, không chỉ có bệnh nhi, các bệnh viện đã ghi nhận cả một số ca người lớn mắc thủy đậu.

Nhiều trường hợp bị lây bệnh ở lớp học

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các khoa Nhi, chỉ tính riêng tại Khoa bệnh truyền nhiễm - Bệnh viện E Trung ương, đến nay, đã tiếp nhận khoảng 20 trường hợp mắc thủy đậu. Tại Bệnh viện Xanh Pôn, bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Nhi tổng hợp cho biết, từ thời điểm trước Tết, số bệnh nhi vào khám thủy đậu bắt đầu tăng. Tại khoa Khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Da liễu Trung ương mỗi ngày tiếp nhận 2 đến 4 trường hợp vào khám thủy đậu. Tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, từ Tết đến nay đã tiếp nhận rải rác một số trường hợp vào khám. Các bệnh nhi đều được tư vấn mua thuốc về điều trị tại nhà. 

Ở mùa dịch thủy đậu năm nay, một số trường hợp là người trưởng thành cũng mắc bệnh. Mới đây, ngày 6-2, Khoa Bệnh truyền nhiễm - Bệnh viện E tiếp nhận bệnh nhân V.T.T.H (30 tuổi ở Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, nổi mụn nước mặt và lan toàn thân, kèm đau đầu, mệt mỏi. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân H. được xác định mắc thủy đậu từ ngày 5-2. Con của bệnh nhân này (2 tuổi) cũng bị mắc thủy đậu và đã được điều trị khỏi từ ngày 31-1. Được biết, con của bệnh nhân H. lây bệnh từ các bạn học tại trường mầm non. 

Một sai lầm dễ gặp trong chăm sóc trẻ mắc thủy đậu là bố mẹ cho trẻ kiêng nước, không tắm rửa

Trước đó 2 ngày, ngày 4-2, bệnh nhân N.M.H (23 tuổi, ở Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng nhập viện điều trị tại Bệnh viện E do mắc bệnh thủy đậu, với triệu chứng nổi bỏng nước toàn thân. Cách đó 3 ngày, bệnh nhân này có tiếp xúc với cháu bé 4 tuổi cũng bị mắc thủy đậu nhưng đang trong thời gian khỏi bệnh…

Ths.BS Vũ Mạnh Cường, Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện E cho biết, thủy đậu thường bùng phát vào giai đoạn chuyển mùa đông - xuân hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa xuân. Bệnh thủy đậu dễ lây lan rộng trong môi trường tập thể. Trẻ em trong độ tuổi từ 2-8 có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, nếu mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em.

Cần đưa trẻ đi tiêm chủng để tránh các biến chứng khi mắc phải thủy đậu

Tránh ngay những sai lầm thường gặp

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh thủy đậu đa phần lành tính, không nguy hiểm nhưng tiến triển nhanh, nếu không điều trị đúng thì một số trường hợp có thể gây biến chứng nguy hiểm. Các nốt phỏng dạ thủy đậu trên da thường gây ngứa, nếu trẻ gãi nhiều và không được chăm sóc vệ sinh chu đáo… các nốt phỏng bị bội nhiễm sẽ khiến viêm da, nhiễm trùng da, đây là biến chứng thường gặp nhất của thủy đậu ở trẻ em. Nặng hơn, một số trường hợp có thể bị biến chứng viêm phổi, nhiễm khuẩn máu do bội nhiễm vi khuẩn tụ cầu, thậm chí có thể gây biến chứng viêm não, nguy hiểm đến tính mạng.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, một sai lầm dễ gặp trong chăm sóc trẻ mắc thủy đậu là bố mẹ cho trẻ kiêng nước, không tắm rửa, khi đó lượng da chết quanh các nốt phỏng dạ tích tụ nhiều sẽ càng gây ngứa ngáy, khó chịu cho bé, nguy cơ biến chứng viêm da bội nhiễm tăng hơn. Vì thế, nếu trẻ bị thủy đậu, cha mẹ cần chú ý tắm cho con bằng nước ấm, không tắm lâu như khi trẻ khỏe mạnh. Một sai lầm thường gặp khác là không ít bố mẹ thấy con bị thủy đậu đã vội bôi xanh methylen vào các nốt phỏng. Tuy nhiên, việc làm này khi nốt phỏng chưa vỡ là không cần thiết. 

Về triệu chứng và cách phòng bệnh, TS.BS Lương Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp - Bệnh viên E cho biết, khi khởi phát bệnh thủy đậu, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo. 

Bác sĩ Hiền khuyến cáo, để phòng bệnh thủy đậu hiệu quả, người lớn và trẻ em chưa mắc bệnh nên chủ động đi tiêm vaccine để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt, người có tiếp xúc với nguồn lây trong 3 ngày đầu vẫn có thể tiêm vaccine phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.