Cả làng làm nhà sàn bằng đá - một miền thiêng nơi biên ải

ANTD.VN - Nằm giữa hai điểm du lịch thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao thuộc xã Ðàm Thủy (huyện Trùng Khánh - tỉnh Cao Bằng), làng đá Khuổi Kỵ nổi tiếng với những ngôi nhà sàn làm bằng đá. Cái tên “làng đá” và tục thờ thần đá vùng biên giới đã khiến nhiều người phải tò mò.

LỜI TÒA SOẠN:

Những ngôi làng cổ luôn mang cho chúng ta cảm giác thư thái, yên bình, cổ kính và đẹp đến nao lòng. Trong giai phẩm Xuân Kỷ Hợi này, An ninh Thủ đô lựa chọn 4 ngôi làng trong số hàng vạn làng quê của Tổ quốc chúng ta, để kể chuyện với bạn đọc. 

Một ngôi làng ở Trùng Khánh (Cao Bằng) giữa nơi biên ải có kiến trúc Việt rất độc đáo khi cả làng làm nhà sàn bằng đá. Hay trở về Thủ đô Hà Nội, làng cổ Yên Trường với những bức tường đá ong, từng là nơi lui tới của giới đạo sĩ một thời. Cũng ở Hà Nội, có một ngôi làng ở xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) cứ ra ngõ là gặp... doanh nhân. Rồi bất ngờ hơn khi mời bạn đọc ghé thăm làng “đồng nát quý tộc” ở Nam Định chuyên chơi đồ cổ. 

Những câu chuyện kể mộc mạc, chân tình cứ nối dài mãi hình ảnh làng quê Việt thân thương trong mỗi chúng ta!

Cả làng làm nhà sàn bằng đá - một miền thiêng nơi biên ải ảnh 1

Cả làng làm nhà sàn bằng đá - một miền thiêng nơi biên ải ảnh 2

Cả làng làm nhà sàn bằng đá - một miền thiêng nơi biên ải ảnh 3Cả làng làm nhà sàn bằng đá - một miền thiêng nơi biên ải ảnh 4

AN NINH THỦ ĐÔ

Thành đá vùng biên

Với đồng bào Tày ở Cao Bằng, ngôi nhà sàn như một miền thiêng nơi biên ải, một không gian văn hóa truyền thống qua bao thế hệ. Sau bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, sau bao nhiêu thăng trầm lịch sử, bao cung điện, lầu son gác tía đã bị tàn phá, mai một, lãng quên. Trong hoàn cảnh đó, những ngôi nhà sàn mộc mạc, bình dị vẫn sống mãi với thời gian, góp thêm một nét độc đáo vào kiến trúc Việt.

Nhìn chung, vật liệu để xây cất nhà sàn rất đơn giản, thường là gỗ, song, mây, tre, bương, vầu… được khai thác trong các rừng già. Hình ảnh những ngôi nhà sàn như vậy đã rất quen thuộc trong hình dung của người Việt. 

Nhưng khi đến với đồng bào Tày ở làng Khuổi Kỵ, xã Đoài Côn (Trùng Khánh), chúng ta sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hiếm có của những ngôi nhà sàn bằng đá. Chất liệu đá chính là điểm nổi bật và khác biệt so với những ngôi nhà sàn ở các vùng khác.

Đường từ thác Bản Giốc vào lãnh địa của những ngôi nhà sàn đá chỉ kéo dài khoảng 2 cây số. Thôn Khuổi Kỵ như lạc giữa một thành quách chiến lũy được bài binh bố trận bởi những bức tường đá bao bọc các ngôi nhà. Khói bếp bảng lảng bên sườn núi, khiến bản làng trở nên cổ kính, nhuốm màu huyền thoại miền biên viễn.

Đồng bào dân tộc Tày ở huyện Trùng Khánh thường có tín ngưỡng thờ đá. Bà con coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Họ quan niệm rằng, con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá. Việc dựng nhà đá cũng xuất phát từ những quan niệm thiêng liêng đó.

Cả làng làm nhà sàn bằng đá - một miền thiêng nơi biên ải ảnh 5Con đường với hàng rào đá dẫn vào trong thôn

Cả làng làm nhà sàn bằng đá - một miền thiêng nơi biên ải ảnh 6

Từ thời nhà Mạc

Ông Nông Văn Khôn, Chủ tịch UBND xã Đoài Côn, cho biết làng đá có từ những năm 1594 - 1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây dựng thành quách để bảo vệ đất nước, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được xây dựng lên như một “pháo đài” độc nhất vô nhị chỉ dành riêng cho những bậc quyền quý.

Đến nay, những ngôi nhà sàn cổ vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên khôi, mang dáng dấp cổ xưa từ thời nhà Mạc, tạo nên vỉa tầng văn hóa độc đáo trong tổng thể vùng văn hóa đa dạng trên mảnh đất vùng biên viễn này. Theo ông Khôn, để xây dựng một ngôi nhà đá, đồng bào Tày phải mất rất nhiều công sức. Bắt đầu từ khi đã có ý định dựng nhà, họ đã phải chuẩn bị nguyên liệu trước đó vài năm. Nguyên liệu quan trọng nhất để dựng nhà đá chính là những viên đá cứng, đẹp. Những viên đá được hình thành từ sâu trong lòng đất, trải qua điều kiện địa chất phức tạp và lâu dài, hấp thụ tinh hoa của đất trời nên mang trong mình nguồn năng lượng và linh khí rất cao. Từ suy nghĩ sâu xa mang ý nghĩa tâm linh ấy, những bức tường đá kiên cố đã dần được hình thành, nó thể hiện rõ tính bản địa, sự sáng tạo và sự khéo léo của đôi bàn tay của đồng bào Tày.

Trước khi dựng nhà, người Tày chọn địa điểm dựng nhà khá kỹ lưỡng. Đó là những nơi cao ráo, lấy chân núi làm điểm tựa, hướng mặt về phía có cảnh trí thiên nhiên khoáng đạt, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống. 

Nhà sàn có hai mái được lợp bằng ngói âm dương. Bên trong nhà dựng bằng gỗ, chiều sâu từ 5 đến 7 hàng cột, khoảng cách giữa các cột từ 2 - 2,5m. Chiều cao của nhà thường từ 7 - 8m. Nhà thường có 3 gian chính, mỗi gian có một chức năng nhất định thuận tiện cho việc sinh hoạt.

Cả làng làm nhà sàn bằng đá - một miền thiêng nơi biên ải ảnh 7Cách xây nhà sàn đá ở Khuổi Kỵ có từ thời nhà Mạc

Tỉ mỉ dựng nhà

Khi đã định vị được ngôi nhà, người thợ sẽ đo, đếm vị trí xếp từng viên đá. Những bức tường kiên cố được xếp từ hàng vạn viên đá lớn nhỏ khác nhau bằng một thứ keo kết dính trộn từ đá vôi và cát. Để đặt được viên gạch vuông vức khi xây không đơn giản chút nào, nhưng việc xếp hàng trăm viên đá với đủ các hình khối, trọng lượng khác còn khó gấp bội. 

Khó khăn nhất trong việc xếp đá là làm sao để độ dày hai bên của một bức tường phải thật cân đối, vuông vức. Chỉ cần lệch một chút sẽ phải gỡ đi xếp lại từ đầu. Dựng được một bức tường gạch chỉ mất vài ba ngày nhưng để xếp được một bức tường bằng đá thì người thợ phải mất vài tháng, thậm chí cả năm trời.

“Nếu tính từ thời gian chuẩn bị nguyên liệu đến khi hoàn thành ngôi nhà phải mất từ 2 - 3 năm. Nguyên liệu quan trọng nhất để dựng nhà đá chính là những viên đá cứng, đẹp. Khuổi Kỵ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người”.

Ông Nông Văn Khôn, Chủ tịch UBND xã Đoài Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng

“Một lý do nữa sở dĩ đồng bào dân tộc Tày nơi đây thường xây nhà bằng đá là do họ sống vùng rừng mưa lũ và nhiều thú dữ cùng nạn trộm cướp nên đồng bào Tày đã sáng tạo ra cấu trúc nhà sàn xây bằng đá, nhằm mục đích phòng thủ, bảo vệ, chống ẩm mốc”, ông Khôn cho biết. 

Giữa không gian bao la, những ngôi nhà sàn đá vững chãi vươn cao như một lũy thép kiên cố. Mặc cho thời gian trôi qua, suốt hàng trăm năm nhưng những ngôi nhà sàn đá này vẫn bền bỉ, kiên định, bao bọc, chở che những cư dân hiền lành, chất phác vùng biên viễn.  

Nếu ai đó đã ngắm nhìn cuộc sống bên những con đường  đá, trong những ngôi nhà sàn bằng đá nơi đây, hẳn  sẽ nhớ mãi. Vẻ đẹp thiên nhiên và con người, vẻ đẹp của những màu sắc tự nhiên và cuộc sống sinh hoạt hòa quyện vào nhau.

Cả làng làm nhà sàn bằng đá - một miền thiêng nơi biên ải ảnh 8Những ngôi nhà sàn bằng đá ở đầu thôn

Theo các bậc cao niên ở Khuổi Kỵ thì đá là sự kết tụ âm dương. Với tục thờ đá, thì đá còn là niềm tin, niềm kiêu hãnh. Sự hiện hữu bền vững của những ngôi nhà sàn bằng đá nơi đây còn ẩn chứa thông điệp quý giá, rằng ở bất cứ nơi đâu, con người sẽ tìm thấy sự hòa hợp tuyệt vời nếu biết trân trọng thiên nhiên. 

Ngôi nhà sàn cổ xây bằng đá của đồng bào dân tộc Tày ở Khuổi Kỵ trở thành biểu tượng văn hóa vật chất mang nhiều giá trị, thể hiện kiến trúc văn hóa độc đáo và ẩn chứa bên trong những phong tục tập quán truyền thống được hun đúc qua nhiều thế hệ. Để rồi mỗi đứa trẻ khi trưởng thành có thêm một niềm tự hào về ngôi làng của mình.