Ca HIV đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi bệnh

ANTĐ - Theo Đài TNHK, ông Timothy Brown, 46 tuổi, ở miền Tây nước Mỹ, vừa được coi là bệnh nhân nhiễm virus HIV đầu tiên được chữa lành bệnh.
Ca HIV đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi bệnh ảnh 1
Virus HIV. (Nguồn: Internet)

Một thời được các tạp chí y khoa gọi là "Bệnh nhân Berlin", ông Brown bị phát hiện phản ứng dương tính với virút HIV nhưng nay không còn virus này nữa. Ông Brown tiết lộ danh tính của mình hồi năm 2010, sau 3 năm tiến hành một phương pháp chữa trị sáng tạo tiêu diệt cả virus HIV lẫn một hình thức ung thư cấp tính trong cơ thể.

Giờ đây, ông đang tích cực vận động cho công trình nghiên cứu chống bệnh AIDS. Trong một cuộc thuyết trình về chính sách tại Washington hồi tháng trước do Quỹ Nghiên cứu AIDS (amfAR) tổ chức, ông Brown nói: "Tôi vẫn gặp một số khó khăn về đi lại, song ngoài ra thì tôi cảm thấy khỏe hẳn. Thật là tuyệt vời khi khỏi bệnh". Các bác sĩ nói ông Brown là người đầu tiên được coi là đã được chữa khỏi HIV.

Ông Brown sinh sống tại Berlin khi xét nghiệm dương tính với virus HIV hồi năm 1995 rồi sau đó được cho uống thuốc để kiềm chế virus. Hơn một thập niên trôi qua, ông bắt đầu cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Một cuộc xét nghiệm tủy xương năm 2006 cho thấy ông còn bị ung thư máu.

Sau khi trải qua một chương trình hóa trị đặc biệt, bác sĩ chuyên khoa ung thư đề nghị ghép tủy cho ông. Bác sĩ Huetter cho biết cứ 100 người thì chỉ có một người, hầu hết là dân Bắc Âu, có sức đề kháng cao đối với HIV do họ biến đổi gen. Hay nói một cách đơn giản, những người này không có "những cánh cửa" để cho phép virus HIV đi vào các tế bào trong cơ thể họ.

Tại buổi thuyết trình của amfAR, Giáo sư Paula Cannon thuộc trường Đại học Nam California, nói hiện tượng biến đổi gen giúp cơ thể kháng virus HIV được biết đến nhiều trong một nhóm nhỏ các nhà nghiên cứu y khoa chuyên về HIV.

Bà giải thích rằng khi một đối tượng có bộ gen này nhiễm HIV, virus HIV sẽ không có chỗ để phát tác và do đó dần dần biến mất". Đối với trường hợp của bệnh nhân Timothy Brown, năm 2007 ông được chiếu xạ toàn thân rồi sau đó được ghép tủy của một người kháng HIV hiến tặng.

Ngay tức thì, ông Brown ngừng dùng thuốc kháng HIV. Dù bệnh ung thư máu sau đó có tái phát, song virus HIV không hề phát triển. Bác sĩ Robert Siliciano thuộc Trường Đại học John Hopkins, cho biết ông Brown đã được xét nghiệm nhiều lần và không có dấu hiện của virus HIV.

Bác sĩ Susan Blumenthal, một cố vấn cao cấp về Y khoa và chính sách của amfAR, nói rằng trường hợp ông Brown đã thay đổi hướng nghiên cứu để tìm phương thức chữa trị HIV.

Sự kiện này đã gây phấn khởi nơi các nhà nghiên cứu, như bà Paula Cannon. Bà dùng phương pháp trị liệu bằng gen để phát triển những tế bào có gen biến đổi kháng HIV.

Bà Cannon cho hay các nhà khoa học đang tìm cách để đưa gen biến đổi kháng HIV vào trong tủy người, giúp tủy của đối tượng có khả năng kháng HIV.