Cả hệ thống chính trị chung sức, đồng lòng đẩy lùi nạn tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Ngày 12-12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, trực tuyến đến hơn 80 điểm cầu trong cả nước. Qua theo dõi diễn biến Hội nghị, các tầng lớp nhân dân thể hiện sự đồng tình, đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm hành động của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng. Báo An ninh Thủ đô trân trọng đăng tải các ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân thể hiện tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ông Trần Trung Kiên (phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội): “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ và bất kể là ai”

Tôi rất tâm đắc câu nói này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020.

Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh tới sự quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong thời gian vừa qua, nhất là giai đoạn 2013 - 2020. Từ khi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập đến nay, công tác này đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và bài bản, đi vào chiều sâu, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Tôi càng ngẫm, càng thấm thía câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: “Chống tham nhũng là chống giặc nội xâm”. Bởi lẽ, tham nhũng sẽ làm nghèo đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về đời sống, kinh tế - xã hội của nhân dân và mỗi người chúng ta đều phải ý thức rõ điều này, chung sức, đồng lòng cùng với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng phát hiện, vạch mặt, chỉ tên những kẻ tham nhũng để đưa ra ánh sáng pháp luật, góp phần đẩy lùi tệ tham nhũng, giúp công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước được thực hiện trọn vẹn, đưa nước ta trở thành một quốc gia dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh! Người dân tin tưởng, thực sự là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ và bất kể là ai”.

Hà Trang (Ghi)

Ông Nguyễn Đăng Hải (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội): “Vai trò của lực lượng Công an nhân dân rất quan trọng trong phòng, chống tham nhũng”

Theo thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã khởi tố mới 1.856 vụ với 4.072 bị can phạm tội về tham nhũng. Theo tôi, đây là kết quả rất đáng trân trọng bởi lực lượng Công an nhân dân đã thực hiện ngiêm túc, đúng phương châm “không có ngoại lệ, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo.

Tội phạm tham nhũng rất mưu mô, xảo quyệt, tinh vi trong từng thủ đoạn phạm tội và thường dùng tiền, vật chất để mua chuộc những người thừa hành pháp luật hòng chạy tội. Hành vi phạm tội của loại tội phạm này có sự đan xen, gắn kết giữ hành vi vi phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ với hành vi tham nhũng. Đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, trong đó có cả những cán bộ cao cấp, có kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ... đã dùng mọi mưu toan, thủ đoạn để né tránh, đối phó với pháp luật.

Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, với sự khôn khéo, dũng cảm, mưu trí, đoàn kết, đồng lòng, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh, dám đương đầu với mọi gian nan, thử thách, các cán bộ điều tra của lực lượng Công an nhân dân không nản chí, quyết tâm đi đến cùng của sự việc, làm rõ và đưa ra ánh sáng pháp luật nhiều cán bộ quan chức cấp cao phạm tội tham nhũng, giúp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa ra những quyết định xử lý phù hợp, thấu tình, đạt lý, xử lý nghiêm kẻ phạm tội và không bỏ lọt tội phạm.

Hồng Tuấn (Ghi)

Bà Cù Thị Kim Thuận (Bí thư Chi bộ 5, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội): “Xây dựng cơ chế để cán bộ không thể, không dám, không cần tham nhũng”

Tôi đặc biệt ấn tượng với việc thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị). Đó là con số khẳng định quyết tâm chỉnh đốn Đảng, không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng. Người dân đặc biệt tin tưởng và ủng hộ quyết tâm của Đảng.

Tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nói một câu mà tôi rất tâm đắc là “Lãnh đạo phải trọng liêm sỉ, biết xấu hổ khi bản thân, người thân tham nhũng”. Đó tưởng là điều bình thường nhưng nếu không chú trọng ngay từ những điều nhỏ thì rất dễ dẫn đến thoái hóa, biến chất.

Việc nâng cao đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất là giải pháp lâu dài. Từ đó Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có chỉ đạo cần xây dựng cơ chế để cán bộ không thể, không dám, không cần tham nhũng. Đó là điều đặc biệt cần thiết bởi chống tham nhũng hiệu quả nhất là không để xảy ra tham nhũng bởi khi đó thiệt hại không chỉ về kinh tế, cán bộ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân.

Bảo Ngọc (Ghi)

Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): “Trừng trị tội phạm tham nhũng phải đi liền với thu hồi tài sản”

Quá trình phòng chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt công tác giám định và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí. Trong đó, những sửa đổi về pháp luật thời gian gần đây đã cho thấy sự thay đổi về chính sách theo hướng coi trọng hơn yêu cầu thu hồi tài sản tham nhũng bị chiếm đoạt, thất thoát. Cụ thể như tại Điều 40 - Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định giảm hình phạt tử hình xuống thành tù chung thân đối với trường hợp: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.

Chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước đối với tội phạm tham nhũng đã có những thay đổi nhất định về “chất”, được thể hiện rõ trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự. Những người có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tự nguyện nộp lại số tiền đã chiếm đoạt, chắc chắn sẽ được áp dụng những quy định theo hướng giảm nhẹ cho người đó.

Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì, tinh thần trên tiếp tục được nhấn mạnh. Điều này càng thể hiện rõ quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng; khẳng định công tác này không dừng, không nghỉ, không chùng xuống mà ngày càng quyết liệt, bài bản, đồng bộ, hiệu quả hơn.

Trịnh Tuyến (Ghi)

Chị Lê Thanh Mai (Khu đô thị Văn Khê, quận Hà Đông, Hà Nội): “Phải trị cho được nạn tham nhũng vặt”

Tôi hoàn toàn đồng tình với phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020. Người dân chúng tôi rất vui vì thành quả của công cuộc phòng chống tham nhũng thời gian vừa qua. Điều đó cũng cho người dân thấy được, trong cuộc chiến chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào… Nhờ đó, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng được nâng lên rất nhiều.

Dù vậy, chúng tôi cho rằng, Đảng và Nhà nước, nhất là các đồng chí lãnh đạo cấp cao phải tiếp tục chỉ đạo triển khai phòng, chống tham nhũng quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Và ở góc độ người dân bình thường, tôi cho rằng, bên cạnh đấu tranh, phát hiện những vụ, đối tượng tham nhũng lớn, ở vị trí cao, chúng ta cũng cần tập trung trị cho được nạn tham nhũng vặt, hành dân ở một bộ phận cán bộ, công chức cơ sở. Những cán bộ quen “ăn vặt” hôm nay rồi sẽ hư hỏng, quen thói tham nhũng và càng tác oai, tác quái khi “leo” lên những trọng trách sau này. Vì thế, trị được tham nhũng vặt sẽ không chỉ giúp bộ máy hành chính trong sạch, người dân hài lòng mà còn góp phần răn đe, giáo dục đội ngũ cán bộ ngay từ sớm, không để cái xấu lan tỏa và gây hại về sau này…

Phương Mai (Ghi)