TT-Huế:

Cá đồng loạt chết trắng sau lũ

ANTĐ - Sau đợt mưa lũ, nguồn nước ở một số vùng đầm phá trên địa bàn tỉnh TT-Huế trở nên ngọt hóa, khiến hàng trăm lồng cá của ngư dân chết trắng, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Có mặt tại khu vực đầm phá Cầu Hai, huyện Phú Lộc, chúng tôi chứng kiến hàng chục hộ dân tất tả vớt thu hoạch cá chết và bán tháo số cá đang “ngắc ngứ” hòng vớt vát lại chút vốn. Chị Trịnh Thị Lệ Trang (thôn Hiền Hòa 1, xã Vinh Hiền) than thở: “Tui nuôi cá lồng mấy chục năm nay rồi mà chưa thấy năm nào cá chết dữ như ri. Cá vẩu từ 7-8 lạng chết thì còn bán được khoảng 1/4 giá; cá hồng, cá mú thì chỉ có nước mang cho lợn ăn thôi. Đầu tư mấy trăm triệu chỉ sau một trận lụt giờ đã trắng tay.”

Cá mú chừng 7 đến 8 lạng giờ bán chưa đến ¼ giá ban đầu

Đầu năm 2010, chị Trang đầu tư 34 lồng cá; nếu chưa kể công cán thì đến nay tiền vốn cho thức ăn và giống đã trên dưới 30 triệu đồng. Thế nhưng sau lũ, đồng loạt gần 4 tấn cá đổ bệnh, chết trắng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lợi, chủ tịch UBND xã Vinh Hiền cho biết, hiện toàn xã có 600 lồng nuôi cá loại như cá vẩu, hồng, mú,… thì có đến 536 lồng nuôi với 40 tấn cá của 140 hộ dân có nguy cơ mất trắng. Tổng thiệt hại trên 8 tỷ đồng; trong đó thôn Hiền An 1, Hiền Vinh 2, số lượng cá mắc bệnh chết lên đến 90%.

Người dân bơ phờ vớt cá chết

Tại xã Lộc Bình, hàng trăm hộ dân cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Lương Thế Vinh- Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: “Toàn xã có 145 lồng của 86 hộ dân với gần 10 tấn cá bị chết, thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng”.

Nhiều lồng nuôi đành “phơi nắng” vì mất trắng

Theo khảo sát của UBND xã Lộc Bình, lượng nước bề mặt ở đầm Cầu Hai bị ngọt hóa đến 50cm; độ mặn bề mặt chỉ còn 1‰. Ngoài nguyên nhân bị ngọt hóa nguồn nước, cá chết nhiều ở Lộc Bình là do nguồn nước bị ô nhiễm bởi lớp đất đá, thực bì trên các triền núi của xã theo mưa lũ đổ về. Vì thế theo đánh giá, số lượng cá chết sẽ không dừng ở con số hiện tại.

Trước đó, tại vùng nước lợ Lập An- Lăng cô, hàng trăm lồng cá của người dân trong khu vực cũng chết bất thường với khoảng 50 tấn cá mú gây thiệt hại gần 15 tỷ đồng.

Tình trạng cá bị đột tử hàng loạt ở hệ thống đầm phá Tam Giang- Cầu Hai đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết về quy hoạch vùng nuôi để tránh nuôi tự phát; cần có hệ thống hồ cao triều “dự bị” mỗi khi lũ lụt để di chuyển lồng nuôi “tránh dịch” cũng như các chính sách hỗ trợ người dân về vay vốn tái sản xuất, tư vấn kỹ thuật.