Cả chứng khoán và vàng đều tăng giá trong nỗi lo lắng

ANTĐ - Đúng như dự đoán của các nhà dự báo thời tiết, bầu trời TP Hồ Chí Minh sáng ngày 13-3 không một gợn mây. Nắng rực rỡ, nắng tưng bừng, nắng chói chang. Thế nhưng sức khỏe của nền kinh tế lại không như vậy. 

Ngày 12-3, trên thị trường chứng khoán (TTCK), kết thúc phiên chiều, VN-Index tăng 1,52 điểm lên 590,02 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 177,65 triệu đơn vị, giá trị 3.069 tỷ đồng, HNX-Index giảm 0,47 điểm, xuống 83,17 điểm, tổng khối lượng giao dịch đạt 87,25 triệu đơn vị, giá trị 890,75 tỷ đồng. Trong khi đó, nương theo giá vàng thế giới, sáng ngày 13-3, giá vàng bật tăng thêm 140.000đ/chỉ, lên mức cao nhất trong nhiều tháng qua với mức giá 36.420.000đ/lượng bán ra. Tuy nhiên, đối lập với những tin nóng về giá vàng là sự lạnh giá, vắng vẻ tại các cửa hàng kinh doanh vàng. Thời của vàng đã qua chăng? Đang có những vẩn mây lo lắng trong bầu trời kinh tế.

Thị trường chứng khoán tăng trưởng nóng

Tính đến hết tháng 2-2014, chỉ số VN-Index đã tăng thêm 81,85 điểm, tương đương tăng 16,22% so với cuối năm 2013. Như vậy, mức tăng của 2 tháng đã bằng 73,73% so với mức tăng trưởng thị trường trong cả năm 2013. Trong phiên ngày 20-2, TTCK Việt Nam chứng kiến một phiên giao dịch đạt kỷ lục về khối lượng từ trước đến nay với 408 triệu chứng khoán, đạt tổng trị giá 5.480 tỉ đồng. Nhiều cổ phiếu đã có mức tăng 30-50%, thậm chí cả 100% trong 2 tháng qua, nhiều nhà đầu tư đã thu được lợi nhuận lớn, vượt xa các kênh đầu tư khác. Điều đó khiến nhiều nhà đầu tư quay trở lại tham gia giao dịch tạo ra sức thanh khoản mạnh cho thị trường. Kể từ năm 2012 đến nay, nhà đầu tư mới được chứng kiến nhiều phiên giao dịch có trị giá lên hơn 3.000 tỉ đồng và thậm chí lên hơn 4.000 tỉ, 5.000 tỉ đồng.

Thông thường, TTCK là nhiệt kế của nền kinh tế, nhưng trong trường hợp này có vẻ không giống như thế. Theo những thông tin từ doanh nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian qua đang có nhiều khó khăn. Qua hai tháng đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng tại thành phố đầu tàu, TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 1%, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là gạo đang gặp hạn lớn vì những kho gạo khủng Thái Lan, Ấn Độ đang xả giá rẻ ra thị trường. Vậy lý do của sự tăng trưởng quá nóng trên TTCK là gì? Các chuyên gia đã bàn thảo nhiều, mỗi người một ý, tuy nhiên phần quan trọng nhất đã đạt được đồng thuận là không thể dự báo kể cả ngắn hạn cho vùng đất đầy biến động này. Đã có nhiều quan điểm được nêu ra, dĩ nhiên đầu tiên vẫn là hy vọng về sự tăng trưởng sau khủng hoảng với sự tác động tích cực của chính sách. Sau nữa, những biến động chính trị, những bất ổn của một số nền kinh tế lớn như Thái Lan, Trung Quốc đã đẩy dòng tiền ngoại về Việt Nam. Rất có thể như vậy. Theo số liệu của MBKE, giá trị danh mục đầu tư nước ngoài năm qua tăng 3,3 tỷ USD và đạt 12 tỷ USD. Riêng giá trị vốn hoá của của các quỹ đầu tư chỉ số (ETF), tăng 24,3% lên 375,8 triệu USD và con số này tiếp tục tăng lên 479,8 triệu USD đến cuối tháng 2-2014. Vấn đề là dòng tiền này tạm trú tại Việt Nam được bao lâu? 

Nhưng điều mà nhiều nhà kinh tế yêu nước lo lắng, chính là tốc độ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước. TTCK tăng trưởng nóng là cơ hội hiếm có cho cổ phần hóa, nếu chậm, cơ hội sẽ đi qua…và dẫu có cố gắng mấy mà bán không ai mua thì Nhà nước vẫn cứ phải nắm giữ và cố gắng trong những ngày qua lại là vô ích. 

Nhưng đó là chuyện vĩ mô, còn vi mô, chúng tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư nhỏ, những người đổ mồ hôi sôi nước mắt để có chút tiền dành dụm, hãy tránh xa TTCK. Để cụ thể, chúng tôi xin kể chuyện một doanh nghiệp mà mấy ngày trước, giá cổ phiếu  tăng trần liên tục, tạo ra những cơn sốt nóng trên TTCK với nhiều triệu đơn vị giao dịch hàng ngày. Đó là PVL (Công ty CP Địa ốc Dầu khí). Dù giá cổ phiếu tăng trần liên tục, nhưng tình trạng của doanh nghiệp này vô cùng thảm hại, các thành viên ban giám đốc đã bị bắt giữ, các thành viên hội đồng quản trị từ nhiệm. Báo cáo tài chính năm 2013 của PVL cho biết, Công ty tiếp tục ghi nhận khoản lỗ trên 31 tỷ đồng. Trước đó, năm 2012, Công ty lỗ 26,2 tỷ đồng. Với 2 năm thua lỗ liên tiếp và từ lâu không có dòng tiền chảy, tình hình tài chính của công ty rơi vào khánh kiệt. Nhiều tháng liền, PVL không thể trả lương cho nhân viên, mặc dù chỉ duy trì số lượng nhân sự ở mức tối thiểu. Vậy nếu những đồng tiền mồ hôi rơi đầu tư vào những cổ phiếu này tất nhiên sẽ bay đi như chim, để lại muôn ngàn điều tiếc nuối.

Giá vàng tăng trong sự ghẻ lạnh

Nỗi lo bất ổn ở Ukraine kéo giá vàng thế giới lên mức cao nhất trong 6 tháng. Tại thị trường trong nước sáng ngày 13-3, giá vàng SJC đội thêm gần 200.000 đồng/lượng, nhưng chênh giá vàng trong nước-thế giới chỉ còn 1,4 triệu đồng/lượng. Lúc gần 10h trưa ngày 13-3, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,39 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ chiều 12-3, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 140.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 130.000 đồng/lượng ở chiều bán. Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng SJC ở mức 36,34 triệu đồng/lượng và 36,4 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và giá bán, cao hơn tương ứng 130.000 đồng/lượng và 140.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua.

Đóng cửa phiên giao dịch đêm 12/3 tại New York, giá vàng giao ngay tăng 17,7 USD/oz, tương đương tăng hơn 1,3%, chốt ở 1.368,2 USD/oz. Lúc 9h30 sáng ngày 13-3 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trong phiên châu Á tăng thêm 4,6 USD/oz, lên 1.372,8 USD/oz. Những nhân tố đang đẩy vàng tăng giá tiếp tục là nỗi lo kinh tế Trung Quốc giảm tốc và đặc biệt là cuộc khủng hoảng chính trị leo thang ở Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí một kế hoạch khung về trừng phạt Nga lần đầu tiên kể từ thời chiến tranh lạnh.

Ngày 16-3 tới đây, Crimea sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về việc có hay không gia nhập Liên bang Nga. Trong khi đó, Nga vẫn không thay đổi lập trường ủng hộ việc Crimea tách khỏi Ukraine và gia nhập nước này. Ở phía khác, thị trường tiếp tục chờ các thống kê kinh tế của Trung Quốc được công bố để xác định tình trạng sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Sau một vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc cách đây ít hôm và số liệu cho thấy xuất khẩu của nước này lao dốc trong tháng 2, thị trường lo ngại nền kinh tế này đang giảm tốc mạnh hơn dự báo. Trong bối cảnh bất ổn chính trị và nguy cơ suy giảm tăng trưởng, vàng phát huy mạnh vay trò kênh đầu tư an toàn.

Đáng chú ý là giá vàng tăng trong sự ghẻ lạnh của khách hàng. Trong ngày tăng giá đột biến 12-3 doanh nghiệp kinh doanh vàng hàng đầu PNJ chỉ bán ra được 150 lượng vàng trên địa bàn cả nước. Có thể nói chắc chắn rằng, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện độc quyền trên thị trường, vàng đã không còn là mối quan tâm của cả người dân lẫn các nhà đầu tư.

Dự báo của các chuyên gia đồng nhất cho rằng, vàng tăng giá chỉ do biến động chính trị là chính, vì vậy, ngay sau khủng hoảng, vàng sẽ trở lại chu kỳ giảm giá, dự đoán vào cuối tháng 3-2014.