Buýt nhanh BRT Hà Nội, vì đâu nên nỗi “rùa bò” trong giờ cao điểm?

Bài I: Sản lượng khách tăng dần nhưng vẫn bị cho là thử nghiệm thất bại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Buýt nhanh BRT hoạt động ở Hà Nội đến nay đã bước sang năm thứ năm, tuy vậy, vẫn nhiều ý kiến khen chê, cho rằng loại hình này không phù hợp và là một thử nghiệm thất bại của ngành giao thông Thủ đô.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ đa chiều, nhiều chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, buýt nhanh BRT là tất yếu trong hệ thống giao thông vận tải công cộng khối lượng lớn.

Sản lượng khách liên tục tăng

Báo cáo từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho thấy, sau 4 năm vận hành (2017-2020), sản lượng hành khách vận chuyển có xu hướng tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước.

Tổng hành khách vận chuyển năm 2018 đạt 5,3 triệu lượt, tăng 6,3%; sản lượng năm 2019 đạt 5,5 triệu lượt, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2018. Năm 2020 đạt 5,356 triệu lượt, giảm 2,6 % do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, lượng hành khách chuyển sang sử dụng vé tháng để đi lại trên tuyến thay vì đi vé lượt, khách vé tháng tăng 21,9%, trong khi vé lượt giảm 14,5% trong năm 2018; trong năm 2019, vé tháng tăng 12,1%, vé lượt giảm 11,8%.

Thống kê cho thấy, trong 1 giờ cao điểm, có hơn 300 phương tiện chiếm làn đường của BRT

Thống kê cho thấy, trong 1 giờ cao điểm, có hơn 300 phương tiện chiếm làn đường của BRT

Đa phần hành khách hài lòng và đánh giá chất lượng dịch vụ của tuyến có những ưu điểm, thuận tiện hơn nhất nhiều so với các tuyến buýt thông thường khác.

Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, trên tuyến buýt nhanh BRT, sản lượng hành khách sử dụng vé tháng nói chung và vé tháng 1 tuyến nói riêng đứng đầu so với các tuyến buýt khác trên toàn mạng.

Đây chủ yếu là nhóm hành khách có nhu cầu đi lại trong phạm vi hành lang tuyến BRT, bởi so với các phương tiện khác, hành khách sử dụng BRT cảm thấy thực sự thuận tiện, an toàn, nhanh chóng và có mức độ tin cậy cao.

Đặc biệt, theo kết quả thống kê, sản lượng hành khách trên tuyến tiếp tục tăng trưởng từ khi điều chỉnh tăng tần suất dịch vụ của tuyến từ 5 lên 3 phút/lượt vào giờ cao điểm sáng và chiều từ ngày 20/5/2019, sản lượng hành khách bình quân/ngày sau khi điều chỉnh dịch vụ tăng khoảng 8,2% so với trước điều chỉnh.

“Sau khi tuyến đường sắt 2A Cát Linh – Hà Đông chính thức vận hành, tuyến buýt BRT sẽ tăng kết nối trung chuyển hành khách cho tuyến BRT và ngược lại, tạo thuận lợi cho hành khách trong quá trình đi lại và trung chuyển”- ông Phương nhận định.

Liên quan đến một số nhận định cho rằng, buýt nhanh BRT Hà Nội không mang lại hiệu quả, ông Phương cho rằng, để đưa ra đánh giá này, phải dựa trên cơ sở khoa học, tổng hòa của tất cả các yếu tố cũng như số liệu và sự hài lòng của người dân sử dụng BRT.

“Chúng tôi đã từng khảo sát hàng trăm hành khách sử dụng BRT, tất cả đều bày tỏ sự hài lòng và mong thành phố sớm triển khai thêm các tuyến BRT khác để tăng tính kết nối và đồng bộ. Phát triển vận tải khách công cộng khối lượng lớn là chủ trương của Chính phủ, của TP Hà Nội trong việc giảm phương tiện cá nhân, trong đó, xe buýt và buýt nhanh BRT vẫn đóng vai trò chủ lực trong 5-10 năm tới”- ông Phương cho biết.

1 giờ có hơn 300 phương tiện chiếm làn BRT

Theo ông Phương, sở dĩ tuyến buýt nhanh BRT 01 hiện nay chưa phát huy được hết hiệu quả là do sự phát triển thiếu đồng bộ, không đúng bản chất ban đầu (có làn riêng, được ưu tiên…), trong khi đó, sự phát triển của phương tiện cá nhân ở Hà Nội quá lớn.

Đặc biệt, trong quá trình vận hành, tình trạng lấn làn, chạy vào làn đường dành riêng cho xe BRT vẫn diễn ra một cách phổ biến (đặc biệt vào giờ cao điểm) mặc dù đã được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm; làm giảm tốc độ lưu thông của xe BRT.

Theo số liệu trích xuất từ camera đặt tại trên đường Quang Trung (Hà Đông), bình quân trong 1 giờ có 308 phương tiện chạy vào làn BRT (xe máy chiếm 85,4%; xe ô tô con chiếm 10,4%; xe tải chiếm 2,2%; các phương tiện khác chiếm 0,4%). Trên đường Tố Hữu, bình quân 1 giờ có 707 phương tiện chạy vào làn BRT (xe máy chiếm 86,2%; xe ô tô con chiếm 11,6%; xe tải chiếm 0,8%; các phương tiện khác: chiếm 0,5%).

Nhìn nhận về tuyến BRT 01 của Hà Nội, PGS. TS. Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng Bộ môn quy hoạch và quản lý, Trường Đại học GTVT cho rằng, tuyến buýt BRT chạy làn dành riêng chỉ hiệu quả khi quãng đường chạy đủ dài, lượng hành khách lớn.

Nếu chỉ dành riêng được một vài đoạn ngắn và lượng hành khách không cao, tần suất chạy thấp thì không mang lại hiệu quả.

Trong khi đó, theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 8 tuyến BRT cùng với 8 tuyến đường sắt đô thị, tạo nên bộ khung vận tải công cộng, nhưng đến nay, bộ khung mới chỉ có một nhánh đơn độc, chưa đủ điều kiện phát huy tính ưu việt của loại hình này.