Bưu điện Hà Nội đã ra đời như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bưu điện Hà Nội được người Pháp thành lập từ năm 1884, ngay sau khi triều Nguyễn ký hiệp ước đầu hàng, chấp nhận chế độ bảo hộ. Song, trong năm đó, người Pháp mới chỉ lập ra Bưu cục Hà Nội cùng với các Bưu cục Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên, Sơn Tây và Ninh Bình để chuyển thư và điện báo.

Nền xưa dấu cũ

Bưu điện Hà Nội đã ra đời như thế nào? ảnh 1Hình ảnh xưa và nay của tòa nhà Bưu điện Hà Nội

Bưu cục Hà Nội được xây trên nền chùa Báo Ân ngay sát hồ Gươm. Tại sao chính quyền thực dân lại chọn địa điểm này? Trong quy hoạch Hà Nội do Công sứ Pháp Bonnal đưa ra năm 1883, ông ta muốn xây dựng hồ Gươm thành khu vực trung tâm nên bưu điện phải đặt ở đây. Tuy nhiên vì sao người Pháp lại phá chùa Báo Ân để xây bưu điện  trong khi thời điểm đó họ có thể cắm đất ở phía nam hồ? Lý do là họ muốn xóa bỏ chùa, nơi tập trung rất đông các tín đồ Phật giáo có thể chống lại họ.

Báo Ân là ngôi chùa bề thế với lối kiến trúc đậm phương Đông. Trước đó, vị trí này là lầu Ngũ Long do chúa Trịnh Doanh xây để hóng mát mùa hè và rèn quân luyện tập thủy chiến. Năm 1788, vua Lê Chiêu Thống đã lệnh phóng hỏa đốt lầu. Đến nhà Nguyễn, khu đất hoang này trở thành đồn Tiền quân. Khi đồn rút đi đã để lại 3 khẩu súng thần công và dân Cựu Lâu lập một miếu nhỏ gọi là miếu Cựu Súng, vì họ tin rằng thần súng có thể chữa được bệnh, trừ được ma tà nên miếu trở thành nơi cúng bái.

Năm 1842, Tổng đốc Hà Ninh Nguyễn Đăng Giai lấy đất xây chùa Báo Ân nên đã cho chuyển ba khẩu thần công vào trong thành, dân chúng đi theo súng lễ bái. Chùa Báo Ân xây bằng tiền đóng góp của dân mà người có công đứng ra kêu gọi là Nguyễn Đăng Giai nên chùa còn có tên khác là chùa Quan Thượng (chỉ Nguyễn Đăng Giai). Vì trong chùa có hồ sen nên phật tử lại gọi thêm một tên khác nữa là chùa Liên Trì (ao sen). Chùa có 180 gian, kiến trúc phức tạp và cầu kỳ, khung cảnh rất đẹp, phía trước là hồ Tả Vọng (hồ Gươm) 

Phong quang cảnh trí trăm đường

Trong xây chín giếng ngoài tường lục lăng

Rõ mười cử động tưng bừng

Đền vàng cửa ngọc chất từng như nêm.

Năm 1883, quân Pháp chiếm chùa biến nơi đây thành cơ quan hậu cần, buộc sư sãi phải đi chùa khác. Có sãi chống lại đã bị lính bắn chết ném xác ra sông Hồng. Thấy trong chùa có nhiều tượng la hán trơ xương sườn nên dân còn gọi là chùa Khổ Hình. Thời gian đó chùa bị binh lính đóng ở đây phá phách, lấy trộm nhiều tượng qúy. Hồi ký của Sylvestre - một viên quan Pháp có cha là Thống sứ Bắc Kỳ - kể rằng, bố ông ta đã lấy một pho tượng bằng kim cương ở chùa mang về bày tại nhà riêng ở Paris. Dấu tích của chùa Báo Ân nay chỉ còn lại tháp Hòa Phong trước cửa Bưu điện Bờ Hồ.

Những chuyện bên lề

Bưu điện Hà Nội đã ra đời như thế nào? ảnh 2Tấm bia ghi lại dấu tích chiến đấu, nơi đây là từng là pháo đài kinh qua 2 cuộc kháng chiến của người dân Thủ đô

Ban đầu, hoạt động của bưu cục chủ yếu là nghiệp vụ bưu chính, chuyển thư từ và công văn. Tuy nhiên cũng rất hạn hẹp, chỉ trong công sở, giới quan chức và số ít người giàu mới sử dụng dịch vụ này. Vì hoạt động bưu chính nên trước năm 1883, người Pháp phát hành con tem đầu tiên ở Việt Nam có hình chim Phượng Hoàng, biểu tượng của Hoàng đế Pháp Napoleon Đệ tam. Giá cước rất cao, một con tem giá 4 xu, giá 1 giờ điện báo là 6 xu trong khi 1kg gạo chỉ có 3 xu. 

Năm 1886, người Pháp cho phát hành con tem dùng cho Nam Kỳ và đến năm 1889 phát hành tem dùng cho 3 nước Đông Dương. Cuối năm 1884, Pháp cho xây đường dây hữu tuyến Hà Nội - Sài Gòn dài gần 4.000km và hoàn thành vào năm 1888. Dù không có văn bản nào, nhưng từ năm 1884, Bưu cục Hà Nội bên hồ Gươm được mặc định là Km0 và tính khoảng cách từ Hà Nội đi các tỉnh bắt đầu từ đây.

Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương nên Bưu cục Hà Nội cũng trở thành cột mốc số 0 khi người Pháp tính chiều dài từ Hà Nội đến Vientiane (Lào) và Phnompenh (Campuchia). Trong năm 1888, thông tin điện báo được thiết lập giữa Hà Nội với Sài Gòn, Vinh, Huế và Đà Nẵng. Năm 1889, Bưu cục Hà Nội có đầy đủ đã các dịch vụ, từ bưu chính, điện báo đến điện thoại và được gọi tên khác là Bưu điện Hà Nội. 

Làm việc ở Bưu điện Hà Nội chủ yếu là người Pháp hoặc người ở các nước thuộc địa do họ tuyển. Nhân viên người Việt rất ít và hầu hết là người vào “làng Tây”, cai hoặc lính giải ngũ, tất cả phải tuyên thệ trước tòa sơ thẩm và lời tuyên thệ của mỗi người được ghi vào biên bản tòa án, lưu trong hồ sơ cá nhân. Nội dung như sau: “Tuyệt đối giữ bí mật những điều đọc được ở bức điện công hay tư, một công văn hay một bức thư. Nghe được cuộc điện thoại không nói cho ai biết dù là đồng nghiệp. Nếu vi phạm bí mật sẽ bị phạt tù”. Lương nhân viên người Việt ở đây chỉ bằng 1/10, thậm chí 1/20 so với nhân viên người Pháp. Để chuyển thư, công văn, điện báo, trong thành phố, bưu tá sử dụng xe tay. Khi nhận thư từ Bưu điện Hà Nội, phu xe đưa bưu tá đến địa chỉ cần chuyển. Từ năm 1902, bưu tá được cấp xe đạp. Cuối những năm 1890, ngoài các cơ quan công quyền, một số người giàu có đã lắp điện thoại riêng, trong số đó có 1 người Việt khá nổi tiếng là cô Tư Hồng. Cô Tư Hồng là vợ một quan tư Pháp, là người trúng thầu phá tường thành Hà Nội năm 1894.

Năm 1901, việc xây dựng Bưu điện Bờ Hồ hoàn thành, nhưng năm 1916 họ lại nâng cấp từ 1 tầng xây lên thành 2 tầng. Giữa tòa nhà chính có một chiếc đồng hồ, vì Hà Nội là nhượng địa nên họ lấy theo giờ Paris. Năm 1917, Bưu điện Hà Nội bắt đầu tổ chức bưu chính nông thôn, nhưng chủ yếu vẫn là chuyển công văn giấy tờ về các xã, còn thư từ thì rất hiếm. Để phân biệt với các chi nhánh bưu điện khác trong thành phố, dân chúng gọi Bưu điện Hà Nội là Bưu điện Bờ Hồ. Năm 1922, người Pháp tiến hành xây dựng đài phát vô tuyến tại ngã tư Vọng (tập thể 128C phố Đại La hiện nay) và tại số 4 Phạm Ngũ Lão (nay là Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia) để liên lạc với Paris. Ngoài ra đài này còn thông báo giá vàng, tỷ giá giữa đồng Franc và đồng bạc Đông Dương. 

Sau khi thua trận ở Điện Biên Phủ, Pháp phải ký Hiệp định Genève, Bưu điện Bờ Hồ trở thành trụ sở của Ủy ban Quốc tế giám sát thi hành hiệp định Genève. Phải rút khỏi Việt Nam, Chính phủ Pháp bàn giao Bưu điện Hà Nội cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa thì lúc đó chỉ còn có 1 tổng đài điện thoại 1.500 số và gần 600  thuê bao.

Năm 1971, nhà mặt tiền mới được xây dựng, nhà nghiệp vụ trung tâm trông ra hồ Gươm có kiến trúc cổ điển Pháp, lợp ngói Ardoise bị phá bỏ thay vào đó là dãy nhà cao tầng trát đá rửa. Năm 1976, tòa nhà dài 51 mét, cao 5 tầng cơ bản hoàn thành. Trên nóc nhà đặt chiếc đồng hồ quay về 4 hướng.

Lễ khánh thành chiếc đồng hồ diễn ra vào đúng 11h ngày 2-9-1978 với bản nhạc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” nhịp điệu chậm chậm, vang xa làm nhiều người trong cả một khu vực rộng lớn xúc động. Tiếc là hôm nay do thiết bị và công nghệ của đồng hồ này quá cũ kỹ nên không thể phát lại được bản nhạc đó cho người dân nghe.