Vụ tranh chấp thu hồi đất ở trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (2)

Buông lỏng quản lý

ANTĐ - Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, ngày 21-12-2012, UBND quận Hai Bà Trưng đã ra Văn bản số 1636 và khẳng định: “Trường ĐHBK sử dụng đất tại phường Bách Khoa được UBND TP Hà Nội giao từ năm 1976, trong quá trình quản lý, sử dụng, nhà trường đã buông lỏng quản lý…”.

Sau khi dự án cống hóa hoàn thành, phố Trần Đại Nghĩa trở nên khang trang đẹp đẽ

và đã phát sinh những tranh chấp đất đai

Hàng nghìn hộ dân có nguy cơ mất nhà

Theo Công văn số 1636/UBND - TN&MT báo cáo UBND TP Hà Nội, một số nội dung khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý tồn tại, vi phạm về sử dụng đất và xây dựng công trình trong đất của trường ĐHBK thì không phải 5-6 hộ dân mà có đến hàng nghìn hộ dân đang ở ổn định (từ trước khi Luật Đất đai năm 2003 được ban hành) có nguy cơ mất nhà. Điều này cũng đã được ông Trần Tiến Dũng - cán bộ địa chính UBND phường Bách Khoa khẳng định với phóng viên Báo ANTĐ vào sáng 11-1. Vì thực tế, hiện có hàng nghìn hộ dân sống trong đất của trường ĐHBK, có trường hợp đã được cấp “sổ đỏ”, có những trường hợp chưa được cấp. Mỗi khi hộ dân muốn được cấp “sổ đỏ” đều phải có xác nhận của nhà trường là đất không tranh chấp.

Đây cũng chính là hệ quả của trường ĐHBK trong quá trình quản lý, sử dụng đất - nhà trường đã buông lỏng quản lý, giao đất trái thẩm quyền dẫn đến tình trạng đất đai trong khuôn viên trường bị lấn chiếm, xây dựng, sử dụng sai mục đích... UBND quận Hai Bà Trưng và các sở, ngành liên quan của thành phố đã hướng dẫn trường ĐHBK chuẩn bị các điều kiện cần thiết, lập dự án sử dụng đất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiến hành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để di chuyển các hộ dân, tổ chức theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trường ĐHBK chưa thực hiện.

Còn trước đó, theo Kết luận của Sở TN&MT Hà Nội ngày 14-7-2010 và Kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội tại Văn bản số 2557/KL-TTTP-P3 ngày 1-11-2011; kết luận của Ban chỉ đạo 09 thành phố Hà Nội và chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 6325/UBND-XD ngày 12-8-2010 đều khẳng định, trường ĐHBK còn tồn tại nhiều diện tích đất bị sử dụng sai mục đích, lấn chiếm, xây dựng sai phép từ nhiều năm nay. Tổng diện tích bị lấn chiếm, vi phạm khoảng 6.665m2 tại các ô đất số 4, số 7, số 11, số 13, số 14; trong đó có diện tích đất gia đình ông Trịnh Văn Tiến và các hộ nhận chuyển nhượng vi phạm pháp luật.

Cụ thể các ô đất vi phạm như sau: Ô đất số 4 có diện tích 551m2 tại nhà B3 đã bố trí cho cán bộ của trường ĐH Xây dựng ở từ khi còn là Khoa Xây dựng trường ĐHBK, khoảng 108m2 bị 5 hộ lấn chiếm và 16m2 cho cán bộ của trường ở từ năm 1990; ô số 7 có diện tích 288m2 nhà A17 trường ĐHBK đang cho Ngân hàng Thương mại thuê; ô số 11 diện tích 60m2 nhà F bố trí cho hộ ông Sơn ở không giấy tờ; ô số 13 cùng với khu đất của hộ ông Trịnh Văn Tiến. Còn có khoảng 2.188m2 đất do Công ty ICD trực thuộc trường ĐHBK đang sử dụng có 9 ngôi nhà với diện tích sàn 1.012m2 xây trên đất mượn của trường, hiện đang cho thuê bán xe ôtô tại mặt tiền đường Giải Phóng, khoảng 2.711m2 đất dân cư gồm 66 hộ dân do Công ty ICD và Công ty Kim khí Hà Nội bố trí sử dụng, có cổng đi ra đường Giải Phóng; ô số 14 có khoảng 250m2 đất trường ĐHBK đã bố trí cho 4 hộ dân ở từ năm 1990.

Trường ĐHBK phải bồi thường, khi thu hồi đất

Ông Nguyễn Trọng Giảng - Hiệu trưởng trường ĐHBK cho rằng, việc nhà trường thu hồi đất của những hộ dân lấn chiếm không phải bồi thường. Nhưng nếu xem xét thuộc diện bồi thường thì nhà trường cũng sẽ làm theo đúng quy định của pháp luật. Còn thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngày 28-11-2012, UBND quận Hai Bà Trưng đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng và trường ĐHBK để thống nhất hướng dẫn việc xử lý vi phạm về sử dụng đất, xây dựng công trình, GPMB, thu hồi đất trong khuôn viên trường ĐHBK. Tại buổi họp, đại diện các cơ quan chức năng đều thống nhất quan điểm, trường ĐHBK phải tiến hành lập dự án theo đúng trình tự, áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư đúng theo quy định của nhà nước.

Sau cuộc họp liên ngành này, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành Văn bản số 1636/UBND - TN&MT báo cáo thành phố, trong đó nêu rõ: “Việc di chuyển các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trong khuôn viên trường ĐHBK, trong đó có hộ gia đình ông Trịnh Văn Tiến và các hộ dân phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 326/ UBND - TNMT ngày 12-1-2012, để giao lại cho trường ĐHBK sử dụng theo đúng mục đích và dự án được phê duyệt. Theo đó, trường ĐHBK phải tiến hành lập dự án theo đúng trình tự, thủ tục quy định của UBND thành phố, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng và các cơ quan chức năng để tiến hành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư di chuyển các tổ chức, hộ gia đình cá nhân đang sử dụng đất trong khuôn viên nhà trường tại các ô số 4,7,11,13,14. Nếu như vậy, để làm đúng theo quy định của pháp luật thì trường ĐHBK sẽ phải chi một khoản tiền rất lớn mới có thể thu hồi được đất.

Cũng theo ông Trần Tiến Dũng xác nhận: “Theo bản đồ hiện trạng địa giới hành chính do Sở Địa chính TP Hà Nội vẽ năm 1996, những công trình nhà ở của các hộ dân đang sinh sống ở phần đất nói trên đã thể hiện gần bờ sông Sét, khu vực có nhiều ao, hồ, đấu từ hàng chục năm trước. Về nguồn gốc, chúng tôi xác định phần đất này thuộc quyền quản lý của trường ĐHBK, nhưng nhà trường đã buông lỏng quản lý, từ đó dẫn đến việc để cho các hộ dân xây nhà tại đây. Để phục vụ cho việc thu hồi đất, trường ĐHBK cần lập dự án, lên phương án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư theo quy định của thành phố Hà Nội”.