Buông lỏng quản lý, hậu quả nặng nề

ANTĐ - Hình ảnh toa tàu lượn “siêu tốc” gây tai nạn nghiêm trọng cho 2 cháu bé ở Cà Mau đã bị nứt, ốc gắn với thân tàu đã rỉ sét... trước khi đưa vào vận hành cho thấy sự vô trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Toa tàu nứt vỡ hay con ốc rỉ sét chắc chắn không phải là thủ phạm. Đối tượng phải chịu trách nhiệm chính là đơn vị quản lý, vận hành trò chơi tàu lượn. Chưa hết, cơ quan quản lý Nhà văn hóa thiếu nhi Cà Mau – nơi xảy ra vụ việc và chính quyền sở tại cũng phải liên đới trách nhiệm. 

Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp phía Nam đã lắp đặt rất nhiều bộ trò chơi tàu lượn tương tự trên toàn quốc. Chúng hiện diện ở khắp các công viên, vườn thú, khu vui chơi, giải trí, nghỉ mát... tại nhiều tỉnh, thành phố. Đa số trẻ em rất thích trò tàu lượn này và phụ huynh không thể từ chối chúng. Thế nên, cái trẻ em và phụ huynh cần là những hệ thống đảm bảo an toàn 100%, được chứng nhận kiểm định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 

Đáng tiếc, “thế giới” trò chơi dành cho trẻ em – những đối tượng dễ tổn thương nhất - dường như nằm ngoài mối quan tâm của người lớn. Có hàng nghìn trò chơi tàu lượn nhưng không trò nào có bảng niêm yết rõ: “Đã được cơ quan x,y,z kiểm định an toàn tuyệt đối vào ngày, tháng, năm...”. Cũng không có quy định nào giới hạn tuổi thọ của các thiết bị lắp ráp trong trò chơi. Chính vì thế, các “chủ trò” vô trách nhiệm vẫn thoải mái tận dụng để bán vé mặc cho thiết bị nứt vỡ, rỉ sét hoặc hàn đính sơ sài... Nếu trách nhiệm của người lớn cứ mãi “nứt vỡ, rỉ sét và sơ sài” như thế, thì con em chúng ta không thể an toàn trong lúc chúng đang vô tư chơi đùa, thư giãn nhất.