Buông lỏng quản lý, dung túng vi phạm

ANTĐ - Trước diễn biến phức tạp của tình hình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn, hôm qua, 26-6, lãnh đạo TP Hà Nội đã có cuộc giao ban chuyên đề với cán bộ chủ chốt của 29 quận, huyện, thị xã và các sở, ngành toàn thành phố.

Có sự tiếp tay từ cơ quan chức năng dẫn tới vi phạm nghiêm trọng tại 55A, 55B phố Bà Triệu

Thẳng thắn trong đánh giá tình hình, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội cho biết, từ 1-1-2010 tới nay, trên địa bàn thành phố có tới 1.700 trường hợp vi phạm TTXD. Trong đó, có 1.104 trường hợp lấn chiếm đất đai để xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công; 490 trường hợp xây dựng không phép; 100 trường hợp xây dựng sai so với giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp; 6 trường hợp gây lún nứt, ảnh hưởng đến công trình liền kề và môi trường xung quanh. 

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi, có tình trạng này là do nhiều chủ đầu tư cố tình vi phạm, ý thức chấp hành các quy định về TTXD yếu kém. Công tác kiểm tra, kiểm soát các quy định về TTXD trên địa bàn lại chưa kịp thời và thường xuyên. Các vi phạm chủ yếu là lấn chiếm, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất công và nơi chưa có quy hoạch xây dựng. Thực tế cho thấy trách nhiệm, hiệu quả, vai trò quản lý Nhà nước về TTXD của chính quyền cơ sở còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý. Sự yếu kém thể hiện ở việc chậm phát hiện, tư tưởng né tránh, ngại va chạm, có biểu hiện bao che của một số cán bộ công chức... Sở Xây dựng là cơ quan tham mưu cho thành phố trong lĩnh vực này cũng chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra thường xuyên, tham mưu chưa kịp thời...

Đi vào phân tích một địa chỉ sai phạm nghiêm trọng nhất trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (55A, 55B phố Bà Triệu), ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cho biết, việc cấp phép ở cả 2 lần (bao gồm cả việc điều chỉnh giấy phép xây dựng) với công trình này đều có sai phạm. Cụ thể, việc cấp phép không có khoảng lùi, không đảm bảo chiều cao của công trình, vi phạm tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam được ban hành năm 2008 của Bộ Xây dựng (quy định công trình xây dựng cao 28m trở lên phải có khoảng lùi tối thiểu là 6m). Việc cấp phép cũng không phù hợp với thỏa thuận quy hoạch - kiến trúc của Sở QH-KT. Đồng thời, không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 348 (về việc yêu cầu UBND TP dừng xây dựng công trình cao tầng - từ 9 tầng trở lên - tại khu trung tâm). 

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nói thẳng: “Bước đầu, chúng tôi kết luận Sở Xây dựng làm trái các văn bản quy định của pháp luật và của UBND TP để có lợi cho chủ đầu tư...”. Ông cũng chỉ rõ: “Đáng nhẽ, các cơ quan Nhà nước khi thấy chủ đầu tư sai phạm thì phải bàn biện pháp xử lý nghiêm túc nhưng ở đây lại cùng bàn cách... hợp thức hóa sai phạm! Lực lượng thanh tra và chính quyền đã buông lỏng quản lý và có động thái tiếp tay, dung túng sai phạm của chủ đầu tư. Đó là điều rất không bình thường”.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá, hậu quả của vi phạm TTXD nặng nề, rất khó khắc phục: “Một công trình đã xây lên rồi, xử lý sai phạm, cắt nóc cũng ít nhiều làm hỏng kiến trúc của chính các công trình đó, gây lãng phí, tốn kém cho cá nhân và xã hội. Đặc biệt là làm hư hỏng một bộ phận cán bộ”. Bí thư Thành ủy cho rằng, trong quản lý TTXD, “phải nỗ lực hàng ngày, hàng giờ” bởi “chỉ một tuần lơi lỏng là nơi đất trống sẽ có công trình mọc lên ngay”. “Tinh thần trách nhiệm không tới nơi tới chốn thì không thể hoàn thành nhiệm vụ”. Bí thư Thành ủy cũng khẳng định, nếu thành phố không có biện pháp nghiêm khắc thì tình hình vi phạm còn nghiêm trọng hơn nhiều. 

Với các công trình vi phạm bị phát hiện mới đây, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, “cái sai đã xảy ra rồi thì phải quyết tâm sửa”. Bên cạnh yêu cầu siết chặt quản lý, điều hành của chính quyền, Bí thư Thành ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định pháp luật về xây dựng và cần làm tốt công tác thanh tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Bí thư Thành ủy cũng “đặt hàng” sự giám sát của nhân dân và các cơ quan đoàn thể với tinh thần vô tư, công minh để tránh bị “gây mê” toàn bộ hệ thống giám sát.

Nhiều cán bộ đã bị kỷ luật

Thống kê mới nhất của UBND TP cho biết, trong các năm qua, nhiều quận, huyện đã xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ quản lý liên quan tới vi phạm TTXD. Cụ thể, năm 2011, UBND quận Hai Bà Trưng đã kỷ luật 4 chủ tịch và phó chủ tịch UBND phường và một số cán bộ thanh tra xây dựng cấp phường, quận; quận Ba Đình đã khiển trách 4 chủ tịch UBND cấp phường và thanh tra xây dựng; quận Tây Hồ xử lý kỷ luật 3 chủ tịch phường, 1 bí thư phường và thanh tra xây dựng; quận Hoàn Kiếm xử lý và kỷ luật chủ tịch, phó chủ tịch phường, chánh thanh tra, phó chánh thanh tra xây dựng quận, 1 cán bộ thanh tra xây dựng phường và 1 cán bộ thanh tra xây dựng quận; huyện Sóc Sơn kỷ luật chủ tịch xã, chánh thanh tra, phó chánh thanh tra xây dựng, 4 cán bộ thanh tra xây dựng xã và 2 cán bộ thanh tra xây dựng huyện... Hiện nay, việc kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, công chức có liên quan đang tiếp tục được thực hiện.